CTCP Đầu Tư IDJ Việt Nam (HNX: IDJ) vừa đặt mục tiêu năm 2022 doanh thu đạt 1.950 tỷ đồng, lợi nhuận 541,7 tỷ đồng và chi trả cổ tức với tỷ lệ 12%
Năm 2022, IDJ sẽ tiếp tục tập trung phát triển kinh doanh trong lĩnh vực cốt lõi là bất động sản, triển khai các dự án trọng điểm: APEC Mandala Wyndham Mũi Né dự kiến bàn giao từ quý III/2022, APEC Mandala Grand Phú Yên dự kiến triển khai từ quý III/2022 và hoàn thành vào năm 2024,...
Để thực hiện tham vọng phát triển các dự án trên, IDJ đã lên lộ trình tăng vốn chủ sở hữu thông qua phát hành cổ phiếu, dự kiến tăng vốn điều lệ lên 3.600 tỷ đồng.
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2021, IDJ dự kiến chi trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2021 với tỷ lệ 13%.
Theo đó mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận được 13 cổ phiếu mới với tổng số cổ phiếu phát hành dự kiến thêm là hơn 19 triệu cổ phiếu IDJ. đồng thời phát hành cổ phiếu ESOP cho người lao động trong Công ty và tiếp tục triển khai phương án phát hành cho cổ đông hiện hữu 1:1, với giá chào bán dự kiến không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu
Dự kiến, số tiền công ty huy động được tính theo mệnh giá cổ phiếu là gần 2.000 tỷ nếu phát hành thành công toàn bộ số cổ phiếu chào bán
Được biết, trong quý I/2022, Công ty đã hoàn thành việc tăng vốn phát hành cổ phiếu ra công chúng, vốn điều lệ của Công ty sau khi tăng vốn là 1.470 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, sau khoảng thời gian “phi mã” lên vùng 47.xxx đồng từ giữa quý III/2021 - đến giữa quý IV/2021, cổ phiếu IDJ đã lao dốc mạnh - tương ứng mất khoảng 50% thị giá chỉ 2 tháng sau đó.
Tại thời điểm 10h34 phiên sáng 18/4/2022, thị giá của mã đang đứng mức 24.400 đồng - giảm hơn 8% so với giá đóng cửa phiên trước đó. Thanh khoản xuống còn 24.400 đồng/cổ phiếu.
Được biết, hiện cổ phiếu IDJ hiện vẫn đang nằm trong diện cảnh báo từ 8/10/2021 do tổ chức niêm yết vi phạm quy định công bố thông tin từ 4 lần trở lên trong vòng 1 năm.
Họ "Apec" từng là một thế lực...?
Từng "náo loạn" thị trường với mức tăng bằng lần, nhóm cổ phiếu họ “Apec” gồm API của Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương; IDJ của Đầu tư IDJ Việt Nam và APS của Chứng khoán APEC đồng loạt giảm mạnh mất gần nửa giá trị.
Đơn cử như APS, từ một cổ phiếu "trà đá" với mức giá 4.200 đồng vào hồi đầu năm 2021 đã tăng mạnh lên mức đỉnh lịch sử 59.900 đồng/cổ phiếu vào phiên 18/11/2021, tương đương mức tăng 14 lần trong chưa đầy 1 năm. Cũng chính thời điểm cổ phiếu đang trên đỉnh huy hoàng, ban lãnh đạo công ty từng gây chú ý với màn hô hào cổ đông "quyết tâm gồng lãi" trong buổi họp ĐHCĐ diễn ra vào ngày 16/11/2021.
Cũng trong buổi ĐHCĐ khi đó, một lãnh đạo khác của doanh nghiệp khi đó còn tự tin khẳng định: "Hiện tại, chỉ số P/E của cổ phiếu APS là 6,9 lần, trong khi đó P/E trung bình ngành đang ở mức 18 lần. Như vậy, có thể thấy định giá cổ phiếu APS đang rẻ, có thể tăng trưởng 2 - 2,5 lần trong thời gian tới".
Tuy nhiên, cổ phiếu APS đã trượt dốc không phanh ngay sau khi màn hô hào kết thúc. Tính đến thời điểm hiện tại, mã này chỉ còn 26.500 đồng/cp, giảm 56% so với mức đỉnh cũ. Như vậy, những cổ đông tin vào những lời hô hào có cánh của các lãnh đạo APS mua cổ phiếu ở vùng giá đỉnh thì cũng phải chịu khoản thua lỗ khá lớn.
Cũng trong cơn "sóng thần" nhóm cổ phiếu Apec cuối năm ngoái, API cũng từng gây bão khi tăng gấp 5 lần trong vài tháng, đạt mức đỉnh lịch sử 102.000 đồng hồi giữa tháng 11. Tuy nhiên, sau những ngày tháng hoàng kim mã này liên tục cắm đầu giảm mạnh. Thị giá của API chốt phiên 15/4/2022 đã lao dốc xuống mốc 61.200 đồng/cổ phiếu - giảm 40% so với mức đỉnh lịch sử.
Điều đáng nói, cũng trong buổi họp ĐHCĐ của API diễn ra vào ngày 3/11/2022, lãnh đạo doanh nghiệp cũng từng hùng hồn tuyên bố, định giá cổ phiếu API có thể lên đến 200.000 đồng/cổ phiếu.
Cụ thể, ông Nguyễn Quang Huy - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Apec từng khẳng định: "Cổ phiếu API thời gian trước như lò xo bị nén đang chờ được bứt phá. Với những tiềm lực sẵn có, mức định giá 200.000 đồng/cổ phiếu cho mã API trong dài hạn không phải là đắt".
Tại thời điểm đó, trả lời cổ đông về nghi vấn thao túng giá khiến cổ phiếu API tăng phi mã, lãnh đạo doanh nghiệp cũng từng khẳng định làm đúng luật, nếu phát hiện dấu hiệu gian lận API sẽ cam kết xử lý nghiêm.
Tương tự hai cổ phiếu trên, cổ phiếu IDJ cũng từng được giới đầu tư chú ý khi tăng gấp 5 lần lên mốc đỉnh 48.100 đồng/cp vào ngày 18/11 năm ngoái.
Dòng tiền kinh doanh âm
Nhìn tổng thể bức tranh kinh doanh năm 2021 của nhóm cổ phiếu Apec khá khởi sắc, song dòng tiền kinh doanh không ổn định.
Đối với API, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng khá mạnh trong năm 2021.
Cụ thể, doanh thu thuần API đạt 1.168 tỷ đồng - tăng 138%; lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp tăng gần gấp 4 lần lên mức 202 tỷ đồng. Như vậy, API đã lập kỷ lục cả về doanh thu và lợi nhuận trong năm 2021.
Tuy nhiên, nhìn vào dòng tiền kinh doanh của API âm 215 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ âm gần 66 tỷ đồng. Đồng thời, dòng tiền đầu tư của doanh nghiệp cũng chuyển từ dương sang âm 25 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh IDJ, năm 2021 doanh nghiệp ty ghi nhận doanh thu tăng 2,2 lần lên mức 893 tỷ đồng đồng thời lợi nhuận bứt phá mạnh từ 78,7 tỷ đồng lên 203 tỷ đồng. Tuy kinh doanh khởi sắc, song có thể thấy "sức khỏe" doanh nghiệp không thực sự ổn định khi dòng tiền kinh doanh DJ âm đến 217 tỷ đồng.
Năm 2021 APS cũng tăng trưởng ấn tượng khi đạt 747 tỷ đồng doanh thu hoạt động - gấp 4,7 lần năm 2020; lợi nhuận sau thuế đạt 563 tỷ đồng - gấp 10 lần cùng kỳ. Tuy nhiên sang đến năm 2022 APS đặt mục lãi sau thuế giảm 11,13% về mức 500 tỷ đồng.
Thông tin liên quan, mới đây APS đã thành công mua vào 500.000 cổ phiếu IDJ. Như vậy, sau giao dịch, APS đã nâng sở hữu tại IDJ lên 5,13 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 6,98%.
IDJ miễn nhiệm Tổng Giám đốc sinh năm 1994 sau 7 tháng ngồi 'ghế nóng'
Đầu tư IDJ đăng ký 6 triệu cổ phiếu nhưng không mua, API 'đỏ lửa'