Phát ngôn của cựu lãnh đạo 'ứng nghiệm', cả họ cổ phiếu rớt thảm về vùng đáy VN-Index 873 điểm
APS đang đứng giữa ranh giới mong manh hồi sinh và nguy cơ bị bỏ lại trong cuộc chơi ngành chứng khoán. Cơ hội vẫn còn, nhưng để “vượt cạn”, họ cần nhiều hơn một quý có lãi.
Sau hai năm 2022–2023 lỗ tổng cộng 630 tỷ đồng, CTCP Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương (APEC, mã APS) đã bất ngờ có lãi trở lại trong năm 2024, ghi nhận gần 22 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Đây là tín hiệu hồi phục đầu tiên kể từ khi nhóm cổ phiếu họ APEC lao dốc không phanh do tác động từ thị trường và biến cố nội bộ.
Tuy nhiên, bức tranh tài chính của APS vẫn còn nhiều mảng tối. Báo cáo tài chính kiểm toán 2024 cho thấy, tổng tài sản công ty chỉ còn 815 tỷ đồng – giảm một nửa so với thời kỳ đỉnh cao năm 2021. Trong đó, danh mục tự doanh chiếm hơn 482 tỷ đồng, đã bao gồm khoản trích lập dự phòng giảm giá tới 240 tỷ đồng. Tổng nợ xấu và các khoản phải trích lập khác lên tới 164 tỷ đồng.
![]() |
Nguồn: BCTC kiểm toán 2024 của APS |
Hai khoản đầu tư gây lỗ nặng nhất trong danh mục tự doanh là API và IDJ – những cổ phiếu thuộc hệ sinh thái APEC Group. Cả hai mã đều giảm 40–60% so với giá vốn. Trong khi đó, các khoản đầu tư vào cổ phiếu bluechip như FPT, MWG hay MSN cũng chưa mang lại kết quả khả quan.
Đầu tháng 4/2025, HNX thông báo duy trì diện cảnh báo và kiểm soát đối với cổ phiếu APS do tình trạng lỗ lũy kế tới cuối năm 2024 (-43,6 tỷ đồng). Thêm vào đó, báo cáo kiểm toán 2023 và 2024 đều có ý kiến ngoại trừ, làm tăng nguy cơ cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc nếu tình trạng này kéo dài sang năm 2025. APS cho biết đang nỗ lực khắc phục bằng cách thu hồi dần công nợ tạm ứng 144,6 tỷ đồng và sẽ làm rõ trên BCTC kiểm toán sắp tới.
Trước đó, hồi tháng 1/2025, công ty từng gửi văn bản đề nghị cơ quan quản lý xem xét đưa cổ phiếu ra khỏi diện kiểm soát, nhấn mạnh nỗ lực phục hồi và mong muốn được “cho cơ hội”.
APS được biết là một trong ba cổ phiếu thuộc nhóm APEC, gắn liền với tên tuổi doanh nhân Nguyễn Đỗ Lăng – cổ đông lớn nhất đang nắm 14,3% vốn. Tuy nhiên, tháng 6/2023, ông Lăng và vợ bị khởi tố và bắt tạm giam do liên quan đến vụ án thao túng thị trường chứng khoán tại APS, API và IDJ. Cú sốc này đã kéo nhóm cổ phiếu APEC vào chuỗi giảm sâu, mất thanh khoản.
Trước đó, phát biểu tại ĐHCĐ thường niên 2023, ông Lăng từng chia sẻ: “Chứng khoán mang lại cho chúng ta rất nhiều niềm vui, vô cùng thăng hoa nhưng cũng đem tới quá nhiều đau khổ”. Những lời này gần như đã “ứng nghiệm” ở bộ ba doanh nghiệp hệ sinh thái APEC trên sàn.
Dù thị trường chứng khoán hồi phục trong quý đầu năm 2025 tạo điều kiện cho các công ty chứng khoán cải thiện mảng tự doanh, cú giảm gần 190 điểm chỉ trong 5 phiên đầu tháng 4 đang trở thành rào cản mới. Tính đến hết phiên 8/4, cổ phiếu APS đã giảm 21% còn 4.700 đồng, API giảm 24% và IDJ giảm 22% – tất cả đều trở lại mặt bằng giá tương đương thời điểm thị trường “thủng đáy” VN-Index 873 điểm vào tháng 11/2022.
>> Bộ 3 cổ phiếu API, APS, IDJ lại dậy sóng, bức tranh tài chính các doanh nghiệp 'họ' APEC ra sao?
Chứng khoán APEC (APS) báo lỗ 27 tỷ, 'xin' đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo, kiểm soát
Vợ ông Nguyễn Đỗ Lăng đăng ký bán cổ phiếu CSC (Cotana), dự thu hơn 1 triệu USD