IDJ: Kiểm toán cho ý kiến 'ngoại trừ' loạt khoản cho vay, tạm ứng hơn 770 tỷ đồng chưa thu hồi
IDJ lên phương án thu hồi công nợ bằng cách nhận chuyển nhượng cổ phần của một doanh nghiệp khác.
CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (mã chứng khoán IDJ) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2024 đã được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C, chi nhánh Hà Nội. Đáng chú ý, đơn vị kiểm toán đã đưa ra ý kiến ngoại trừ liên quan đến hàng trăm tỷ đồng khoản cho vay và tạm ứng chưa được thu hồi. Tổng các khoản cho vay, tạm ứng chưa thu hồi lên đến hơn 770 tỷ đồng.
Kiểm toán nêu ý kiến ngoại trừ với khoản cho vay 563 tỷ đồng và tạm ứng hơn 209 tỷ
Theo kiểm toán viên, tại thời điểm lập báo cáo, IDJ đang ghi nhận một số khoản cho vay đã quá hạn với tổng giá trị gốc và lãi phải thu lên tới hơn 563 tỷ đồng, trong đó riêng phần gốc là hơn 511 tỷ đồng. Các khoản vay này được bảo đảm bằng cổ phần hoặc phần vốn góp tại CTCP Apec Thái Nguyên và Công ty TNHH Lộc Phát Bình Thuận. Cụ thể:
- CTCP Du lịch và Khách sạn Mandala: 99,9 tỷ đồng
- CTCP Tập đoàn Đầu tư Phát triển Nhà ở Xã hội 5 Sao Việt Nam: 310,8 tỷ đồng
- CTCP Apec Finance: 100 tỷ đồng
Tuy nhiên, đến cuối năm 2024, IDJ vẫn chưa thực hiện các biện pháp xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi công nợ. Do không có đủ thông tin xác thực, kiểm toán viên cho biết không thể xác định được liệu công ty có cần trích lập dự phòng nợ xấu cho khoản này hay không.
![]() |
Nguồn: IDJ |
Bên cạnh đó, từ năm 2022, IDJ đã thực hiện tạm ứng cho cán bộ, nhân viên với mục đích triển khai các dự án tiềm năng. Tổng số tiền tạm ứng tính đến cuối năm 2024 là hơn 209 tỷ đồng, trong đó có 104 tỷ đồng tạm ứng cho các nhân viên đã nghỉ việc.
Kiểm toán viên cho biết, không nhận được thư xác nhận công nợ cũng như hồ sơ chứng minh việc sử dụng các khoản tạm ứng này. Vì vậy, không đủ căn cứ để xác định khả năng thu hồi, cũng như việc có cần trích lập dự phòng tổn thất hay không.
![]() |
Nguồn: IDJ |
Lợi nhuận sụt giảm do nguồn thu tài chính giảm mạnh
Năm 2024, IDJ ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 718 tỷ đồng, giảm 16,8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 96 tỷ đồng, giảm 12,7% so với mức 109 tỷ đồng của năm 2023.
Một trong những nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sụt giảm là doanh thu tài chính giảm mạnh, chỉ đạt hơn 6 tỷ đồng so với mức 49 tỷ đồng năm trước.
Tính đến cuối năm 2024, IDJ còn nắm giữ hơn 107 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, bao gồm 70,8 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn dưới 3 tháng và hơn 36 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn. Ngoài ra, công ty còn gửi hơn 84 tỷ đồng kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng.
Bên cạnh đó, IDJ đầu tư hơn 35,3 tỷ đồng vào cổ phần và góp vốn vào các đơn vị khác, song hiện phải trích lập dự phòng gần 12 tỷ đồng cho các khoản này.
Phương án thu hồi nợ: Nhận chuyển nhượng cổ phần
Về phương án thu hồi nợ, IDJ cho biết, khoản vay 100 tỷ đồng tại Apec Finance sẽ được thu hồi bằng việc nhận chuyển nhượng phần vốn góp tại Công ty TNHH Lộc Phát Bình Thuận.
Đối với khoản hơn 414 tỷ đồng cho các cổ đông Apec Thái Nguyên vay, IDJ dự kiến thu hồi bằng việc nhận chuyển nhượng 99% cổ phần tại doanh nghiệp này.
Với hơn 209 tỷ đồng tạm ứng chưa thu hồi, IDJ lên phương án nhận lại cổ phần tại CTCP Nước khoáng Cúc Phương để bù đắp.
>> IDJ miễn nhiệm Tổng Giám đốc sinh năm 1994 sau 7 tháng ngồi 'ghế nóng'
Kinh Bắc (KBC) giảm lãi gần 37 tỷ đồng sau kiểm toán
Tập đoàn từng muốn mua dự án Đại Nam của ông Dũng 'lò vôi' tăng gấp đôi số lỗ sau kiểm toán