Nữ kỹ sư Việt Nam chế tạo thành công máy biến áp 500kV đầu tiên tại Đông Nam Á, được Tổ chức sở hữu trí tuệ Thế giới tặng giải thưởng 'Nhà khoa học nữ xuất sắc nhất'
Người phụ nữ này đã lần lượt lập những “kỷ lục” trong việc chế tạo máy biến áp 110kV, 220kV và cả chiếc máy biến áp 500kV đầu tiên của Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt sinh năm 1950 tại Quỳnh Lương, Quỳnh Lưu, Nghệ An trong một gia đình thuần nông. Thời niên thiếu, bà học tại trường cấp 3 Quỳnh Lưu II (nay là trường Trung học phổ thông Quỳnh Lưu II).
Năm 1975, sau khi tốt nghiệp đại học nhận tấm bằng kỹ sư khoa Điện, bà Nguyệt bắt đầu làm việc tại Tổng Công ty Thiết bị điện Đông Anh (EEMC). Tại đây, bà tham gia nghiên cứu và chế tạo máy biến áp.
Là một kỹ sư, nhà khoa học và Anh hùng Lao động, bà Nguyễn Thị Nguyệt đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trên bản đồ ngành Điện thế giới với các sáng chế về máy biến áp 110kV (1993), 220kV (2003) và 500kV (2010). Các công trình của bà cùng đồng sự đã đóng góp quan trọng trong việc tiết kiệm ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Thành công này cũng giúp bà được vinh danh là "Người phụ nữ vàng của ngành Điện" và nhận nhiều giải thưởng, huân chương cao quý khác.
Với mong muốn "người Việt Nam dùng hàng Việt Nam", bà luôn nỗ lực để người dân trong nước có thể sử dụng các sản phẩm cơ khí điện lực do chính Việt Nam sản xuất, với chất lượng không thua kém hàng nhập khẩu nhưng có giá thành rẻ hơn. Năm 2002, kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt đã chế tạo thành công máy biến áp 110kV, đặt nền móng cho công nghệ sản xuất máy biến áp công suất lớn tại Việt Nam, thay thế những sản phẩm trước đây phải nhập khẩu. Đây cũng là lần đầu tiên ngành Điện Việt Nam tự thiết kế và chế tạo thành công máy biến áp 110kV.
Đến năm 2003, bà tiếp tục triển khai đề tài khoa học cấp Nhà nước với mục tiêu nghiên cứu, thiết kế và chế tạo máy biến áp (MBA) 220kV – loại máy chủ đạo trong hệ thống lưới điện quốc gia. Sau nhiều tháng tự mày mò và nghiên cứu, chiếc MBA 220kV đầu tiên của Việt Nam, cũng là của khu vực Đông Nam Á, đã ra đời, đạt tiêu chuẩn quốc tế về kỹ thuật và thẩm mỹ. Thành tựu này khiến đồng nghiệp trong và ngoài nước vô cùng khâm phục. Các máy biến áp 110kV và 220kV sau đó đã được vận hành an toàn và rộng rãi trên cả nước, với chất lượng tương đương sản phẩm nhập khẩu, nhưng chi phí giảm khoảng 20%.
Năm 2005, bà Nguyễn Thị Nguyệt đã thành công trong việc sửa chữa sự cố máy biến áp 500kV của Nhà máy Thủy điện Ialy – công việc mà trước đây chỉ có các kỹ sư nước ngoài đảm nhiệm. Thành công này đã khơi dậy động lực giúp bà tiến tới chế tạo MBA 500kV, loại máy mà chỉ một số quốc gia trên thế giới có khả năng sản xuất, khiến chi phí nhập khẩu vô cùng đắt đỏ.
Với ước mơ và quyết tâm chinh phục mục tiêu này, kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt đã đảm nhận vai trò thiết kế chính. Sau gần 3 năm nỗ lực không ngừng của tập thể Công ty EEMC và cá nhân kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt, MBA 500kV đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á đã được nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thành công.
Máy biến áp 500kV đã góp phần giải quyết kịp thời tình trạng quá tải của lưới điện quốc gia, đồng thời tạo công ăn việc làm cho các công nhân ngành điện tại EEMC. Công trình này không chỉ đưa Việt Nam vào nhóm 12 quốc gia trên thế giới có khả năng chế tạo máy biến áp 500kV, mà còn giúp Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á đạt được thành tựu này.
Thành công này đánh dấu một bước trưởng thành vượt bậc của ngành điện Việt Nam bởi nó không chỉ có ý nghĩa thuần túy về mặt kỹ thuật mà còn mang ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao vị thế và khả năng hội nhập của ngành điện nước ta với thế giới.
Một số thành tích của kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt: - Năm 2004, được Tổ chức sở hữu trí tuệ Thế giới WIPO tặng giải thưởng Nhà khoa học nữ xuất sắc nhất về công trình nghiên cứu máy biến áp 220kV. - Tháng 8/2006, được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng lao động. - Năm 2014, được Tổ chức sở hữu trí tuệ Thế giới WIPO tặng giải thưởng Nhà khoa học nữ xuất sắc nhất về công trình nghiên cứu máy biến áp 500kV. |