Kỹ sư về quê tìm 'vàng' trong thân cây, doanh thu nửa tỷ đồng mỗi tháng
Tạm cất tấm bằng kỹ sư chế tạo máy để khởi nghiệp, nhưng 3 lần nối tiếp thất bại tưởng như sẽ khiến chàng trai 9X gục ngã. Song vẫn không nhụt chí, Ngô Tấn Quyền đã mày mò làm sản phẩm từ trầm hương, mang lại doanh thu nửa tỷ đồng/tháng.
Tốt nghiệp Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) năm 2017, Ngô Tấn Quyền (SN 1994, quê xã Tam Ngọc, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) vào làm kỹ sư chế tạo máy tại một công ty ôtô ở Quảng Nam, với mức lương gần 10 triệu đồng/tháng.
Nhưng một năm sau, thấy bản thân không phù hợp với công việc sáng đi tối về và quay cuồng tăng ca, anh Quyền xin nghỉ việc trong sự ngỡ ngàng của gia đình, đồng nghiệp.
Thời điểm này, tìm hiểu trên mạng, anh hứng thú với mô hình trồng rau thủy canh trên sân thượng. Sẵn ít tiền tích cóp được, anh thuê mặt bằng ở Đà Nẵng để khởi nghiệp.
Tuy nhiên, 4 tháng từ khi mở công ty, miền Trung liên tục mưa lớn, đơn hàng nhận được chỉ đếm đầu ngón tay. Không gồng gánh nổi tiền thuê nhà và trả lương nhân viên, anh tuyên bố phá sản.
Trắng tay, anh trở về quê. Sẵn nghề cơ khí, anh Quyền nhận thiết kế trang trại trồng rau sạch nhưng cũng thất bại, lại thêm nợ nần.
Không nhụt chí, chàng trai trẻ tiếp tục huy động vốn từ bạn bè để chuyển hướng sang làm dược liệu nhưng cũng chẳng khấm khá hơn, trong khi số tiền vay mượn đã lên đến 200 triệu đồng.
"Lúc đó, tôi vỡ nợ và bắt đầu cảm thấy chông chênh, hoài nghi về bản thân. Tôi sợ khởi nghiệp lần nữa sẽ không thành công, lại nghỉ việc quá lâu không có ai nhận nữa", anh Quyền chia sẻ.
Tưởng chừng cánh cửa khởi nghiệp đã khép lại, tình cờ được bạn giới thiệu về trầm hương, anh nhận ra đây là sản phẩm đầy tiềm năng. Huyện Tiên Phước, cách nhà anh khoảng 30km, có hàng trăm hộ dân trồng cây dó bầu, loại cây có thể sinh ra mùi thơm tự nhiên khi bị sâu đục phá.
Nhưng mọi sự khởi đầu đều không đơn giản. Bước vào ngành nghề mới, do là "tay mơ", ít vốn và ham rẻ, anh mua phải vài kg phôi trầm giả. Khi mang về chế tác, cầm sản phẩm hoàn thiện ngửi mùi hắc khó chịu, anh biết con đường phía trước còn lắm chông gai.
Không bỏ cuộc, anh dành nhiều thời gian mày mò, tìm hiểu cặn kẽ hơn về trầm hương. Khi đã am tường hơn, năm 2021, anh mạnh dạn vay ngân hàng để đầu tư xưởng sản xuất rộng hơn 100m2 trên chính khu đất của gia đình.
Không chọn cách làm trầm cảnh nhân tạo như nhiều người, anh tập trung chế tác vòng đeo tay từ trầm hương tự nhiên. Nhờ chú trọng chất lượng và cam kết bảo hành trọn đời nên những sản phẩm của anh dần được nhiều người biết tới và có chỗ đứng trên thị trường.
Sau khi có lãi, anh mua thêm máy móc để sản xuất nhang, trầm nụ, bột trầm,... Đầu năm 2024, anh mở rộng quy mô xưởng lên gấp đôi và tạo việc làm cho gần chục thanh niên địa phương, thu nhập mỗi lao động từ 9-12 triệu đồng/tháng.
"Trước đây, tôi làm nghề xây dựng nên khá bấp bênh. Ba năm nay, tôi được anh Quyền nhận vào làm thợ chế tác trầm, công việc ổn định và lương cao hơn rất nhiều", anh Ngô Thiên Hoàng chia sẻ.
Gần 4 năm về quê tìm "vàng" trong thân cây, chàng trai 9X nay sở hữu thương hiệu trầm hương cho riêng mình và có doanh thu bình quân hơn 500 triệu đồng/tháng. Trừ đi các chi phí, mỗi tháng anh Quyền "bỏ túi" khoảng 150 triệu đồng.
Không chỉ bán hàng qua mạng xã hội, giờ đây sản phẩm trầm hương Quốc Quyền đã được bày bán tại nhiều cửa hàng lưu niệm, điểm du lịch ở khắp miền Trung. Một số đoàn khách du lịch còn tìm về tận xưởng của anh để tham quan, mua sắm.
"Bước đầu thành công từ chính loại cây đặc trưng ở quê nhà, không chỉ giúp bản thân đổi đời, mà còn tạo được việc làm cho bạn bè, xóm giềng, tôi cảm thấy rất hạnh phúc", anh Quyền nói.
Anh tiết lộ, tới đây sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất và nỗ lực quảng bá giá trị của sản phẩm làm từ trầm hương xứ Quảng ra khắp cả nước cũng như thị trường nước ngoài.