Nữ nghệ sĩ cải lương Việt Nam đầu tiên được phong NSND thọ 99 tuổi: Từ đào chính không chuyên đến "bà tổ" cải lương Việt Nam
NSND Phùng Há đã cống hiến cả cuộc đời mình cho nghệ thuật cải lương và để lại một di sản vĩ đại. Bà là hình mẫu lý tưởng về sự khiêm tốn, kiên nhẫn, đam mê và lòng yêu nghệ thuật trong con tim của nghệ sĩ.
Cố NSND Phùng Há, tên thật là Trương Phụng Hảo, sinh năm 1911 tại quận Châu Thành, TP. Mỹ Tho. Bà là con thứ sáu trong một gia đình nghèo khó và đông anh em. Mặc cho hoàn cảnh gia đình, Phùng Há đã từng bước thể hiện đam mê và tài năng trong nghệ thuật ca hát và diễn xuất từ khi còn nhỏ.
Cuộc sống chìm trong bóng tối và bước ngoặt với nghệ thuật cải lương
Khi Phùng Há lên 9 tuổi, cha bà qua đời. Tuy có được đi học tiểu học một thời gian ngắn, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, Phùng Há buộc phải nghỉ học để đi làm kiếm tiền. Vào năm 13 tuổi, bà đã bắt đầu làm công trong một lò gạch để kiếm sống. Mặc cho những khó khăn và gian khổ, giọng hát thiên phú của Phùng Há đã thu hút ông bầu Hai Cu, người quản lý gánh hát Nam Đồng Ban cũ. Điều này cũng đánh dấu một bước ngoặt quyết định trong cuộc đời của bà và đưa bà bước chân vào con đường nghệ thuật.
Vào năm 1924, ông bầu Hai Cu đã thành lập gánh hát Tái Đồng Ban và mời Phùng Há tham gia với vai trò đào chính, mở ra một trang mới trong cuộc đời nghệ thuật của bà. Ông cũng là người gợi ý bà sử dụng cái tên Phùng Há làm nghệ danh.
Vào khoảng những năm 1920, Phùng Há đóng cặp với nghệ sĩ Năm Châu tham gia vào nhiều vở cải lương nổi tiếng như "Hoàng Phi Hổ quy Châu," "Thôi Tử thí Tề Quân," "Mổ tim Tỷ Can," và "Anh hùng náo Tam Môn Nhai." Thời kỳ này, bà được công chúng yêu mến và tôn vinh.
Năm 1926, Phùng Há gia nhập gánh hát Trần Đắc của ông bầu Trần Đắc Nghĩa và sau đó lập gánh hát riêng của mình (gánh Huỳnh Kỳ) khi mới chỉ 18 tuổi. Gánh hát của bà quy tụ rất nhiều nghệ sĩ tài năng và gạo cội lúc bấy giờ, như Ba Vân, Năm Phỉ, Tám Du, Năm Thiện, Ba Thâu, Ba Đồng, Chín Móm, Năm Kiệt, Hai Sự, Hai Nữ, Tư Bé, Tư Hélènne,... Theo nhiều tài liệu ghi lại thì đây là gánh cải lương có quy mô lớn ở vùng Lục tỉnh Nam Kỳ, đi lưu diễn khắp nơi, tạo tiền đề giúp cải lương phát triển rực rỡ.
Nhờ những buổi biểu diễn trên thuyền ghe, cải lương đã lan tỏa rộng rãi, kể cả đến những vùng quê xa xôi như Vĩnh Kim, Ba Dừa, Cái Thia,.. Ở Sài Gòn, vé cho các buổi biểu diễn của gánh Huỳnh Kỳ thường bị bán hết vào khoảng 3 giờ chiều, và nhiều người phải chờ đợi để mua vé cho buổi biểu diễn tối sau đó.
Nữ nghệ sĩ cải lương duy nhất được phong NSND đợt đầu tiên
Không chỉ thành công biểu diễn, Phùng Há còn là một người thầy xuất sắc, giảng dạy nhiều thế hệ nghệ sĩ tài giỏi như Thanh Nga, NSND Bạch Tuyết, NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Diệu Hiền, và nhiều người khác. Thời Việt Nam Cộng hòa, bà còn là giảng viên của Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ tại Sài Gòn.
Năm 1984, Phùng Há được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân đợt đầu tiên, thể hiện sự công nhận chính thức cho đóng góp to lớn của bà đối với nghệ thuật cải lương. Với một cuộc đời dành trọn cho nghệ thuật và tạo dựng di sản vô giá, Phùng Há đã trở thành biểu tượng vàng của nghệ thuật cải lương Việt Nam.
Dù thành danh và tài giỏi, Phùng Há luôn tỏ ra khiêm tốn và không bao giờ tỏ thái độ tự cao. Học trò của bà, NSND Bạch Tuyết, từng nói rằng: "Tôi học nghề đã phải cúi đầu biết ơn nhưng còn mang nặng ơn nghĩa hơn nữa khi được học làm người từ bà. Học làm người từ NSND Phùng Há mới là kinh khủng khiếp."
NSND Bạch Tuyết theo học NSND Phùng Há từ năm bà 45 tuổi, Trong quá trình học, bà đã quan sát cách sống người thầy của mình và nhận ra rằng, cho đến tận ngày mất đi ở năm 99 tuổi, NSND Phùng Há cũng chưa bao giờ nuôi thù ai, tỏ thái độ giận dữ, hoặc nói lời nặng nề với ai.
Khi NSND Phùng Há đã bước sang tuổi 99, gót chân của bà vẫn luôn được giữ gìn trắng tươi, y như lối sống mà bà đã làm trong suốt cuộc đời.