Nữ sinh đầu tiên của bộ tộc ‘bí ẩn nhất thế giới’ tại Việt Nam đỗ đại học, được bầu làm đại biểu Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam
Đây cũng là nữ đại biểu đầu tiên của đồng bào Rục tham dự sự kiện chính trị quan trọng của sinh viên Việt Nam.
Tộc người Rục được phát hiện vào năm 1959, là một trong những “em út” của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đầu năm 2013, họ còn được xếp vào danh sách 10 bộ lạc bí ẩn nhất thế giới. Từ cuộc sống ẩn dật trong hang đá, người Rục đã dần thay đổi dưới sự hỗ trợ của chính quyền và bộ đội biên phòng, chuyển sang quần tụ trong các bản làng và làm nương rẫy, trồng lúa nước.
Hơn 60 năm sau khi rời khỏi hang đá, người Rục lại đón một tin vui lớn: Năm 2022, Cao Thị Lệ Hằng (sinh năm 2004) - cô gái thuộc thế hệ thứ hai của tộc người Rục tại Thượng Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) - chính thức trở thành nữ sinh người Rục đầu tiên đỗ đại học. Đầu năm nay, Lệ Hằng còn trở thành nữ đại biểu đầu tiên của người Rục tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI (nhiệm kỳ 2023-2028), một sự kiện chính trị quan trọng đối với sinh viên cả nước.
Ước mơ của nữ sinh người Rục
Mồ côi bố từ nhỏ, cả gia đình 8 chị em hoàn toàn trông chờ vào đôi vai gầy guộc của mẹ, nhưng Cao Thị Lệ Hằng vẫn vượt mọi khó khăn, trở thành nữ sinh dân tộc Rục đầu tiên trúng tuyển đại học của cả nước. Năm 2022, tin Hằng đỗ đại học về thôn bản, như một bông hoa đẹp nở giữa rừng khiến bà con xôn xao, vui mừng. Bà con lối xóm, các chú bộ đội biên phòng đều đến chúc mừng.
Điều ước bước đầu trở thành hiện thực, nhưng nữ sinh người Rục vẫn canh cánh nỗi lo về việc mình đi học xa, chi phí sinh hoạt và học tập. Vì vậy, Cao Thị Lệ Hằng đã quyết định nhập học tại Trường Đại học Quảng Bình, thay vì theo nguyện vọng xét tuyển ban đầu tại Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế).
Hiện, Lệ Hằng đang là sinh viên năm 3, chuyên ngành Giáo dục mầm non. Với khát vọng cống hiến, ngay khi vào đại học, cô gái dân tộc Rục - Cao Thị Lệ Hằng đã năng nổ tham gia nhiều hoạt động của trường. Đặc biệt, với vai trò là tuyên truyền viên, nữ sinh tích cực tham gia hoạt động truyền thông tuyển sinh đến các bạn học sinh ở bản, trường dân tộc nội trú cấp 3 tiếp tục theo học đại học.
Cũng theo chia sẻ của Lệ Hằng, được sự giúp đỡ của các thầy cô và bạn bè khi trở thành sinh viên Trường Đại học Quảng Bình, cô đã quen với cuộc sống sinh viên và không ngừng tiếp tục nỗ lực để biến giấc mơ của bản thân thành hiện thực.
Mục tiêu của Lệ Hằng là hoàn thành chương trình đại học và khao khát được trở về quê hương, về với bản làng trên cương vị một cô giáo mầm non. Hằng muốn có một công việc ổn định, kiếm tiền chăm sóc cho mẹ và hơn nữa sẽ góp một phần sức lực để thay đổi bản nghèo nơi mình sinh ra.
Nữ đại biểu đầu tiên của đồng bào Rục
Với những thành tích xuất sắc, tháng 1/2024, Cao Thị Lệ Hằng đã trở thành nữ đại biểu đầu tiên của đồng bào Rục tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI.
Theo Báo Tiền Phong, những ngày về Thủ đô, hòa vào ngày hội lớn của sinh viên Việt Nam, cô sinh viên người Rục lần đầu được gặp gỡ, giao lưu cùng nhiều gương năng động giàu thành tích; đến thăm nhiều địa danh từng được biết đến qua từng trang sách học trò; tham dự lễ báo công dâng Bác... Lệ Hằng lần đầu mặc áo vest, tham gia Đoàn Chủ tịch Đại hội và có phần điều hành giới thiệu thành viên Hội đồng tư vấn, đồng hành sinh viên nhiệm kỳ XI phát biểu tham luận chủ đề “Vai trò của sinh viên và tổ chức Hội Sinh viên trong quá trình tự chủ Đại học”.
“Tôi tin việc vào đại học mở rộng vốn hiểu biết và đưa tri thức về bản là cách góp phần đổi thay bản làng, ghi dấu ấn dân tộc mình trong sự nghiệp phát triển chung của Việt Nam”, nữ sinh khẳng định.
Trở lại trường sau Đại hội, cô sinh viên Cao Thị Lệ Hằng tiếp tục công việc học tập với quyết tâm trau dồi, nâng cao kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ và kỹ năng công nghệ. “Đây đều là hành trang cần thiết giúp bản thân và những người trẻ Thượng Hóa nói chung và người trẻ ở bản Mò O Ồ Ồ nói riêng, tự tin bước ra những môi trường lớn, thực hiện ước mơ, khát vọng cống hiến”, Lệ Hằng nói.
Nữ sinh cho biết, nghị lực 12 năm đèn sách của anh trai Cao Xuân Long - hiện làm Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng bản Mò O Ồ Ồ, khi điều kiện còn cực khổ hơn là động lực để cô phấn đấu. Vào đại học và cố gắng luyện rèn để ngày mai lập nghiệp, là cách để cô viết tiếp ước mơ giảng đường còn dang dở của anh chị và nêu gương cho các em trong gia đình, cũng như ở bản; thực hiện kỳ vọng về một cuộc sống ấm no, đủ đầy của mẹ.