Nước sát vách Việt Nam phá kỷ lục khi thử nghiệm cỗ máy ‘cắt quặng như cắt bùn’ dưới đáy biển, lặn sâu 4.000m tìm kiếm ‘kho báu’
Chiếc xe 14 tấn đã đạt được tới 6 đột phá trong các nghiên cứu tương tự ở nước này.
Trung Quốc đã có bước tiến quan trọng trong cuộc chạy đua toàn cầu nhằm khám phá khoáng sản dưới đáy đại dương sau khi một trong những phương tiện khai thác khoáng sản dưới biển của nước này, được cho là đã phá vỡ nhiều kỷ lục quốc gia trong một đợt thử nghiệm gần đây.
Theo Tân Hoa xã, mới đây, xe nguyên mẫu công trình khai thác mỏ hạng nặng tác nghiệp dưới biển sâu mang tên “ Kaituo 2”, còn được gọi là “Pioneer 2” trong tiếng Anh do Đại học Giao thông Thượng Hải Trung Quốc tự nghiên cứu sản xuất đã hoàn thành thử nghiệm dưới biển, lần đầu tiên vượt quá độ sâu 4.000m, sáng tạo 5 công nghệ mới trong nước.
Đáng chú ý nhất là một lần lặn phá kỷ lục xuống độ sâu 4.102,8m, đánh dấu lần đầu tiên một phương tiện khai thác của Trung Quốc lặn sâu hơn 4.000m. Tổng cộng, tàu lặn của Trung Quốc đã hoàn thành 5 lần lặn trong cuộc thử nghiệm diễn ra từ ngày 22 đến ngày 26/6, 4 lần lặn còn lại đều đạt độ sâu khoảng 2.000m.
Kaituo 2 dài 6m, rộng 3m, cao 2,5m và nặng 14 tấn. Nó được thiết kế để hoạt động ở độ sâu tối đa 6.000m. Xe được trang bị hệ thống răng khoan mạnh mẽ có thể "cắt quặng như cắt bùn" dưới đáy biển và hệ thống bánh xích kim loại chắc chắn giúp di chuyển ổn định trên địa hình mỏ dưới biển sâu. Trong đợt thử nghiệm kéo dài 5 ngày, Kaituo 2 đã thực hiện một lượt lặn mỗi ngày và thu thập thành công hơn 200kg mẫu vật khoáng sản dưới đáy biển.
Cỗ máy này là nguyên mẫu kỹ thuật do Đại học Giao thông Thượng Hải phát triển độc lập, tiên phong trong công nghệ di động cao dành cho địa hình đáy biển sâu phức tạp cũng như công nghệ khoan và khai thác khoáng sản tổng hợp.
Theo nhóm nghiên cứu của trường đại học, chiếc xe 14 tấn này đã đạt được tới 6 đột phá trong các nghiên cứu tương tự ở Trung Quốc. Điển hình như nó có thể khai thác hiệu quả nhiều loại khoáng sản biển sâu, bao gồm cả lớp vỏ kim loại bám chặt vào đá cứng và các nốt đa kim loại chôn trong trầm tích.
Theo mining.com, Yang Jianmin, nhà khoa học của dự án Kaituo 2 nói với báo chí rằng trong khi tài nguyên khoáng sản dưới biển thường được tìm thấy ở độ sâu từ 2.000 đến 6.000m, thì thử nghiệm cho thấy phương tiện này gần như có thể đạt tới độ sâu cần thiết để khai thác tài nguyên dưới biển sâu.
Sự thành công của Kaituo 2 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực khai thác khoáng sản biển sâu của Trung Quốc. Nó mở ra tiềm năng to lớn cho việc khai thác các “kho báu” - nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú dưới đáy biển, góp phần đảm bảo an ninh môi trường cho nước này.