Những đồi chè, quả núi bị xẻ ngang dọc bởi các con đường; người người ra sức thêu dệt lên những viễn cảnh mỹ miều của mỗi khu đất sau khi có đường chạy qua,…
Tình trạng trên đã diễn ra rầm rộ tại tỉnh Lâm Đồng suốt từ năm 2019 đến nay. Thực chất của những việc làm trên chính là việc núp bóng hiến đất làm đường để biến các khu đất lớn thành những thửa nhỏ, sau đó hợp thức hóa việc thực hiện dự án trái phép.
Hiện đã có gần 100 dự án thường gọi chung là khu nghỉ dưỡng được hình thành theo cách như vậy.
Khu vực diễn ra rầm rộ nhất là thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm. Ở đây, những con đường được mở ngay trong lòng đồi chè, trên các khu đất nông nghiệp. Thậm chí, ở những nơi hẻo lánh, xung quanh không nhà dân nhưng vẫn xuất hiện những con đường nhựa rộng từ 5 - 6m.
Tìm hiểu thực tế, những con đường được mở ra dưới hình thức người dân hiến đất làm đường để thuận tiện cho việc canh tác, sản xuất nông nghiệp. Nhưng thực tế, sau mở đường, không còn ai sản xuất nông nghiệp ở những khu đất đó. Cái còn lại là hàng chục ha đất trồng chè đã được phân lô, tách thửa và chào bán công khai với những cái tên núp bóng các dự án bất động sản. Năm 2021, hầu hết các thửa đất lại được chuyển đổi sang đất ở, tất cả đều đứng tên cá nhân.
Trong khoảng 3 năm trở lại đây, tại thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm, sau khi hiến đất làm đường, gần 24.000 thửa được tách mới và chuyển đổi sang đất ở.
Đứng sau câu chuyện phân lô, tách thửa này chính là các doanh nghiệp đã dùng danh nghĩa cá nhân để gom mua đất nông nghiệp với số lượng lớn, sau đó bằng cách xin hiến đất làm đường trong các thửa đất nông nghiệp, lắp điện, nước để hình thành nhiều "dự án" với hàng trăm lô đất, cuối cùng xin chuyển đổi sang đất ở để hợp pháp việc mua bán.
Theo quy định, quy hoạch là căn cứ quan trọng để chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở, bởi khi là đất ở, phải phù hợp quy hoạch liên quan đến xây dựng và khu dân cư. Như vậy, với khu vực nông thôn, phải theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, trong hàng loạt khu đất được chuyển đổi tại thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm lại chỉ dựa vào quy hoạch sử dụng đất.
Đại diện Sở Xây dựng cho rằng tỉnh Lâm Đồng có đầy đủ tất cả các loại quy hoạch để địa phương thực hiện, song các địa phương đã không làm đúng theo quy hoạch.
Cụ thể, các địa phương chỉ căn cứ vào quy hoạch sử đụng đất để tách thửa mà không xem xét các đồ án quy hoạch khác, các loại quy hoạch khác, đặc biệt là quy hoạch xây dựng nông thôn mới nên mới xảy ra tình trạng cho phân lô tách thửa đất ở, nhưng tại khu vực đó quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới lại không cho bố trí khu dân cư. Trong câu chuyện này, chỉ có doanh nghiệp được lợi, còn người dân bị thiệt.
Bảo Lộc từng có gần 25.000 ha chè và được xem là thủ phủ chè của Việt Nam. Nơi đây là vùng nguyên liệu chính để sản xuất chè Ô Long, chè ướp hoa lài… nổi tiếng của Lâm Đồng. Chỉ sau 5 năm, từ năm 2015 - 2020, tổng diện tích chè của địa phương này đã giảm hơn 50%. Những đồi chè rộng lớn đã biến mất vì nạn phân lô bán nền tràn lan.