Trong hệ sinh thái Tân Hoàng Minh, nơi tuột dốc, nơi thua lỗ ngàn tỷ nhưng Tân Hoàng Minh vẫn ồ ạt phát hành trái phiếu với lãi suất lên đến 12%/năm. Đáng chú ý, dù đăng tải nội dung quảng bá nhưng nhà phát hành lại không “chịu trách nhiệm” về các thông tin đó.
Thời gian này, “siêu nợ” Evergrande của Trung Quốc khiến thị trường tài chính thế giới rúng động vì nợ trái phiếu lên đến hàng trăm tỷ USD. Evergrande đứng trên bờ vực phá sản khiến nhà đầu tư đứng trước nguy cơ mất trắng số tiền đã mua trái phiếu của công ty này.
Trong bối cảnh đó, Tập đoàn Tân Hoàng Minh ồ ạt phát hành trái phiếu thông qua các công ty con. Điều đáng nói, sức khoẻ của hệ sinh thái Tân Hoàng Minh không hề tốt khi mà có công ty con thua lỗ, có đơn vị khác chứng kiến doanh thu và lợi nhuận giảm sâu.
Ồ ạt phát hành trái phiếu
Ngày 20/9/2021, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt, công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, đã phát hành thành công lô trái phiếu trị giá 1.900 tỷ đồng có kỳ hạn 60 tháng với lãi suất cố định 11,5%.
Số tiền thu được từ đợt phát hành trái phiếu được sử dụng để góp vốn theo Hợp đồng đặt cọc hợp tác kinh doanh với Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Nam Đại Cồ Việt (tương ứng tỷ lệ 47% tổng mức đầu tư), để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng công trình 2 tòa chức năng văn phòng và chức năng hỗn hợp (tổ hợp công trình dịch vụ công cộng, văn phòng, căn hộ ở) tại Lô I-A và Lô II-III thuộc dải đất phía Nam đường Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Nam Đại Cồ Việt làm chủ đầu tư.
Tài sản đảm bảo là quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng hợp tác kinh doanh Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt, bao gồm lợi thế quyền sử dụng đất và công trình xây dựng dự kiến hình thành trong tương lai tại “Dự án đầu tư xây dựng dải đất phía Nam đường Đại Cồ Việt” và quyền sở hữu 200 tỷ đồng vốn điều lệ, tương đương 12,5% vốn góp tại Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt.
Tuy nhiên, dù công bố ngày 20/9 đã phát hành thành công lô trái phiếu trị giá 1.900 tỷ đồng cho dự án Nam Đại Cồ Việt nhưng trong một bài viết trên fanpage Trái phiếu Tân Hoàng Minh – D’Bond ngày 24/9, Tập đoàn Tân Hoàng Minh được cho là phát hành lô trái phiếu trị giá 2400 tỷ cho dự án Nam Đại Cồ Việt và dự án Hoàng Hải Complex.
Trước đó, Ngôi Sao Việt đã phát hành thành công 800 tỷ đồng để mua hơn 3 triệu cổ phần của CTCP Đầu tư Phát triển và Thương mại Việt Tiến (tương ứng 51% vốn điều lệ của Việt Tiến), đơn vị sở hữu lô đất ký hiệu C4, HH-1, CCKO (CCKO – Lô 4) thuộc Khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên, TP. Hà Nội.
Ngày 27/8, CTCP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil đã thông báo chào bán thành công lô trái phiếu giá trị 450 tỷ đồng.
Số tiền thu được từ đợt phát hành trái phiếu sẽ được công ty sử dụng để hợp tác với Hoàng Hải Phú Quốc đầu tư dự án khu du lịch phức hợp Hoàng Hải tại khu 5, khu phức hợp Bãi Trường, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, Kiên Giang.
Nơi tuột dốc, nơi thua lỗ ngàn tỷ
Có thể thấy, chỉ trong vài tháng đầu năm 2021, Tân Hoàng Minh đã phát hành hàng ngàn tỷ đồng trái phiếu để rót vốn cho các dự án trải dài khắp đất nước. Tuy nhiên, Tân Hoàng Minh thực hiện tham vọng này trong bối cảnh hệ sinh thái Tập đoàn không hề tốt.
Công ty mẹ - công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh gây chú ý nhất khi gánh khoản thua lỗ ngàn tỷ đồng trong năm 2020.
Cụ thể, năm 2020, Tân Hoàng Minh lỗ tới 2.480 tỷ đồng dù năm 2019 công ty lãi 22,9 triệu đồng. Nợ vay chính là nguyên nhân chính gây nên tình hình bê bết này của Tân Hoàng Minh.
Trong khi doanh thu chỉ đạt 190 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 474 tỷ đồng thì Tân Hoàng Minh phải gánh tới 2.732 tỷ đồng chi phí tài chính, trong đó chi phí lãi vay là 706 tỷ đồng.
Có thể thấy, với công ty mẹ, trong năm 2020, nợ vay thực sự là áp lực rất lớn.
Các công ty không thua lỗ thảm như “mẹ” nhưng tình hình tài chính không mấy sáng sủa.
Ngôi Sao Việt, đơn vị gây ấn tượng vì phát hành trái phiếu giá trị lớn lại chứng kiến doanh thu và lợi nhuận lao dốc.
Trong năm 2020, Ngôi Sao Việt chỉ đạt 773 tỷ đồng doanh thu, giảm 9.264 tỷ đồng, tương đương 92% so với năm 2019, lợi nhuận sau thuế giảm từ 272 tỷ đồng xuống 32,4 tỷ đồng.
Trong khi đó, năm 2016, 2017 và 2018,Soleil lỗ lần lượt 61,7 tỷ đồng, 1,55 tỷ đồng và 1,64 tỷ đồng. Tới 2019, tình hình cải thiện hơn nhưng Soleil chỉ lãi 71,5 tỷ đồng.
Nhà phát hành không chịu trách nhiệm
Các đợt phát hành trái phiếu của Tân Hoàng Minh được quảng bá rất rộng rãi, đặc biệt trên mạng xã hội. Các tờ rơi được thiết kế chuyên nghiệp và bắt mắt. Ngôi Sao Việt gây ấn tượng khi quảng bá với đợt phát hành trái phiếu 800 tỷ đồng với lãi suất cao nhất lên đến 12% cho kỳ hạn 12 tháng.
Ngoài ra, nhiều thông tin khác cũng được công bố. Thế nhưng, có dòng chữ mà không phải ai cũng để ý. Đó là Tân Hoàng Minh không dám “hứa” về thông tin mình cung cấp khi viết: “Tài liệu này không phải là một bản công bố thông tin do Tổ chức phát hành đưa ra. Tài liệu này cũng không phải là bản chào bán Trái phiếu hoặc lời mời mua Trái phiếu”.
Đợt phát hành trái phiếu đang được triển khai và có thể bị thay đổi. Tổ chức phát hành không chịu trách nhiệm về sự thay đổi của đợt phát hành và cũng không chịu trách nhiệm nếu Trái phiếu phát hành không được phát hành trên thực tế theo đúng các điều kiện và điều khoản nêu trên.
Không chỉ có vậy, thông tin liên quan đến Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng gây chú ý. Bản công bố thông phát hành trái phiếu khẳng định các ý kiến của BVSC (nếu có) đánh giá về tình trạng pháp lý và lựa chọn tài sản để làm tài sản đảm bảo cho việc thanh toán Trái phiếu chỉ mang tính chất tham khảo, các bên mua Trái phiếu phải tự tìm hiểu và đánh giá tài sản đảm bảo. BVSC không đảm bảo về giá trị của tài sản đảm bảo.
Có thể thấy, với trường hợp cụ thể là Ngôi Sao Việt phát hành trái phiếu cho dự án tại Khu đô thị mới Việt Hưng, nhà phát hành “không chịu trách nhiệm”, còn đơn vị tư vấn “không đảm bảo”.