Việt Nam dự kiến có sân bay mới, tọa lạc tại ‘Đà Lạt thứ 2’ của Tây Nguyên
Trước đó, sân bay này được đề xuất đầu tư với tổng vốn gần 5.000 tỷ đồng và dự kiến hoàn vốn hơn 48 năm.
Bộ Xây dựng vừa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Một trong những mục tiêu trọng tâm của lần điều chỉnh này là nghiên cứu bổ sung Cảng hàng không Măng Đen (tỉnh Quảng Ngãi) và Cảng hàng không Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) vào hệ thống cảng hàng không quốc gia, đồng thời xem xét cập nhật, điều chỉnh một số nội dung khác trong quy hoạch nếu cần thiết.

Sân bay Măng Đen dự kiến được quy hoạch tại xã Măng Đen, tỉnh Quảng Ngãi (trước đây là thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum). Nơi đây được ví như "Đà Lạt thứ hai của Tây Nguyên" nhờ khí hậu mát mẻ và cảnh quan thiên nhiên phong phú. Vị trí sân bay nằm trong bán kính kết nối với nhiều cảng hàng không lớn khác, như cách sân bay Pleiku 73km, sân bay Phù Cát 105km và sân bay Chu Lai 93km.
>> Bộ GTVT: Xây dựng sân bay Măng Đen là hết sức cần thiết
Dự án dự kiến bố trí trên diện tích khoảng 350ha, hoàn toàn trên địa hình đồi núi, với công suất thiết kế khoảng 1 triệu hành khách/năm vào năm 2030 và khả năng mở rộng vượt công suất sau đó. Sân bay được định hướng đạt tiêu chuẩn cấp 4C theo phân loại của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO).
Tổng mức đầu tư giai đoạn đầu dự kiến gần 5.000 tỷ đồng, trong đó khoảng 330 tỷ đồng (6,6%) từ ngân sách nhà nước chủ yếu phục vụ giải phóng mặt bằng; phần còn lại hơn 4.600 tỷ đồng (93,4%) được huy động từ nhà đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP). Thời gian hoàn vốn dự kiến hơn 48 năm, phản ánh tính dài hạn trong thu hồi vốn đầu tư hạ tầng hàng không tại khu vực này.
>> Dự kiến đầu tư gần 5.000 tỷ xây dựng sân bay thứ 4 của Tây Nguyên
Việt Nam dự kiến có thêm 2 sân bay mới, 1 nằm trên đồi núi, 1 nằm trên mặt nước
22 sân bay của Việt Nam: Thông tin đầy đủ và những điểm mới sau sáp nhập