Ô tô điện gặp sự cố khiến bé 9 tháng tuổi bị nhốt trong xe giữa trời nóng
Sự cố pin ô tô điện khiến bé 9 tháng tuổi bị nhốt trong xe, cha mẹ phải phá kính để giải cứu.
Tại Los Angeles (Mỹ), một sự cố công nghệ liên quan đến hệ thống pin của ô tô điện đã khiến một bé 9 tháng tuổi bị nhốt trong xe, gây ra nỗi hoảng loạn cho cha mẹ. Trường hợp này xảy ra với gia đình anh Malcolm Gordon, chủ sở hữu một chiếc Ford Mustang Mach-E, khi chiếc xe bất ngờ gặp trục trặc.
Ford Mustang Mach-E. Ảnh minh hoạ |
Sự việc xảy ra vào ngày 10/1. Trong khi anh Gordon đang làm việc, anh nhận được cuộc gọi từ vợ báo tin đứa con 9 tháng tuổi của họ đang bị nhốt trong xe và cửa không thể mở được. Người vợ cho biết, khi cô dừng xe tại một trạm sạc ở khu vực thung lũng San Fernando, nhiệt độ ngoài trời khoảng 27 độ C. Lúc đó, chiếc Ford Mustang Mach-E đời 2021 còn khoảng 25% pin.
Sau khi tắt máy và xuống xe, người mẹ đóng cửa lại và đi vòng sang bên kia để bế con. Nhưng bất ngờ, cửa xe không thể mở. Chiếc xe này không sử dụng tay nắm cửa truyền thống mà thay vào đó là hệ thống nút bấm điện tử để kích hoạt mô-tơ mở cửa. Điều này khiến việc tiếp cận trở nên vô cùng khó khăn.
Gia đình đã thử mọi phương án có sẵn để mở cửa, bao gồm sử dụng chìa khóa bấm, ứng dụng FordPass, và bàn phím nhập mật khẩu được tích hợp trên cửa xe, nhưng tất cả đều không hoạt động.
Trong lúc vội vã, anh Gordon lập tức rời văn phòng để tới hiện trường, đồng thời gọi sự hỗ trợ từ tổ chức cứu hộ khẩn cấp AAA và đội cứu hộ của Ford. Nhân viên cứu hộ mang theo dụng cụ phá cửa nhưng cũng không thể làm cửa xe mở ra. Đội cứu hộ của Ford cũng cố gắng tiếp cận ắc-quy để khởi động lại hệ thống, nhưng vẫn không có kết quả.
Cuối cùng, không còn cách nào khác, anh Gordon buộc phải đập vỡ kính xe để kéo lẫy mở cửa từ bên trong và giải cứu con mình.
Tay nắm cửa được giấu chìm trong thân xe, chỉ bật mở khi được kích hoạt. Ảnh: InsideEVs |
Qua điều tra ban đầu, nguyên nhân được xác định là do bộ ắc-quy 12V gặp trục trặc. Đây là bộ phận cung cấp năng lượng cho các chức năng như khóa cửa, đèn chiếu sáng, và cửa kính. Khi ắc-quy này cạn năng lượng, xe không thể thực hiện bất kỳ thao tác nào, mặc dù bộ pin chính vẫn còn điện.
Tuy nhiên, mức điện trong ắc-quy cũng không đủ để kích hoạt hệ thống hỗ trợ khởi động lại thông qua việc câu điện. Điều này buộc gia đình Gordon phải chọn giải pháp phá kính, gây thiệt hại không nhỏ. Tổng chi phí sửa chữa, bao gồm thay kính và thay mới ắc-quy, ước tính lên đến 2.000 USD.
Sau khi sự việc được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội và thu hút sự chú ý lớn, hãng Ford đã liên hệ với gia đình Gordon để thương lượng hỗ trợ. Tuy nhiên, anh Gordon cho biết anh không còn cảm thấy an toàn khi sử dụng chiếc xe này, đặc biệt là khi gia đình có con nhỏ. Anh nhấn mạnh: "Từ giờ, tôi sẽ chỉ mua xe có khóa cơ".
Sự cố của gia đình Gordon là minh chứng cho những rủi ro tiềm tàng từ thiết kế xe hơi hiện đại, nơi công nghệ điện tử chiếm ưu thế nhưng thiếu phương án dự phòng.
Năm 2022, tại Vancouver (Canada), một tài xế Tesla Model Y phải phá kính chắn gió để thoát ra ngoài khi xe bốc cháy và cửa bị kẹt khóa. Vào tháng 10 cùng năm, tại Toronto (Canada), một tai nạn thảm khốc đã khiến 4 trong 5 người trên xe Tesla thiệt mạng, do các nhân chứng không thể mở cửa để giải cứu nạn nhân.
>>Việt Nam là ‘vựa gạo’ xuất khẩu hơn 158 triệu tấn đến hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ
Starbucks triển khai kế hoạch sa thải toàn cầu vào năm 2025
Cánh đồng hoa trồng thử nghiệm ở Hạ Long có gì mà người dân ùn ùn tới chiêm ngưỡng?