Ô tô đỗ chắn cửa vài ngày, chủ nhà ở Hà Nội tung chiêu 'dằn mặt'
Bị ô tô đỗ chắn cửa hàng và lối ra vào, một số chủ nhà ở Hà Nội đã nghĩ ra chiêu "dằn mặt" bằng dán giấy nhắc nhở, viết bút dạ vào xe hay để rác quay kín.
Câu chuyện đỗ xe chắn cửa hàng, lối ra vào nhà của người khác luôn là tâm điểm của những cuộc tranh cãi không có hồi kết. Nhiều người cho rằng, do không gian đường, phố ở đô thị chật hẹp nên bất đắc dĩ mới phải đỗ xe như vậy. Tuy nhiên, nhiều "khổ chủ" bị đỗ xe bịt lối ra lại bức xúc với vấn nạn này.
Mới đây, trên mạng xã hội chia sẻ hình ảnh và câu chuyện cười ra nước mắt khi chủ một ô tô đỗ chắn cửa nhà trên tuyến phố thuộc quận Cầu Giấy (Hà Nội). Đáng chú ý, ô tô này bị dán nhiều mẩu giấy với nội dung: "Di chuyển xe ra chỗ khác! Chắn cửa hàng người ta rồi".
Người đăng tải hình ảnh cho biết, chủ ô tô đã đỗ chắn trước cửa hàng 3 - 4 ngày liền, nhưng khi dán giấy nhắc nhở thì có người bóc ra rồi lại đỗ ô tô ở vị trí cũ. Người này cũng tham khảo ý kiến của cộng đồng: "Tình huống này có nên báo cho công an phường?".
Sau đăng tải bài viết đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi. Anh Nguyễn Anh viết: Nếu như tuyến phố không có biển cấm dừng, cấm đỗ thì có gọi công an phường cũng không thể xử lý.
Anh Lưu Cường thì cho rằng, tuyến phố không có biển cấm dừng, cấm đỗ, không phải đường có 1 làn xe thì chủ xe được phép dừng đỗ. Lúc này, chỉ xét dưới góc độ ý thức, văn hóa của tài xế khi đỗ trước cửa hàng.
Chị Nguyễn Thị Huyền bày tỏ, biết rằng tại nhiều tuyến phố ở Hà Nội không có chỗ xe, mật độ phương tiện lại đông nhưng các tài xế cần quan sát kỹ trước khi đỗ xe để không ảnh hưởng đến người khác.
"Mặt tiền cửa hàng dùng để kiếm sống mà ai cũng đỗ chắn cả ngày thì ảnh hưởng đến việc kinh doanh, đi lại của người khác, tài xế cần lựa chọn chỗ đỗ hợp lý", chị Huyền viết.
Đỗ ô tô đỗ chắn trước cửa hàng, cửa nhà người khác có bị xử phạt?
Hiện nay, Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt và Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 100/2019/NĐ-CP đều không quy định về việc xử phạt hành chính đối với hành vi đỗ xe trước cửa nhà người khác.
Tuy nhiên, người điều khiển phương tiện vẫn cần đảm bảo các quy định về đỗ xe trên đường theo quy định tại Điều 18 và Điều 19 Luật Giao thông đường bộ 2008.
Phải đảm bảo an toàn trước khi rời khỏi xe (có tín hiệu báo, cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng...)
Không được đỗ xe tại các vị trí như bên trái đường một chiều, trước cổng trong phạm vi 5m hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức, tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe, trên miệng cống thoát nước…
Đỗ xe trên đường phố phải sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25 mét và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông.
Về phía các chủ nhà, chủ cửa hàng bị ô tô đỗ chắn cửa, chắn đường, nếu có hành vi cố ý hủy hoại tài sản của người khác là vi phạm pháp luật.
Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định mức phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng và phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm đối với hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 - 50 triệu đồng, hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc trường hợp tái phạm; hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
Nếu gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì bị áp mức phạt tù từ 2 - 7 năm.
>> CSGT Hà Nội hoá trang ghi hình, hàng loạt xe đầu kéo nhận trát phạt trong đêm
Bút phê 'hạ' mức xử phạt vi phạm giao thông, cựu Trưởng Công an thành phố Mỹ Tho lĩnh hơn 4 năm tù
Cựu Trưởng Công an TP Mỹ Tho can thiệp xử lý vi phạm giao thông, gây thiệt hại hơn 650 triệu đồng