Thị trường

Ông David Thái tuyên bố 'Highlands Coffee là doanh nghiệp Việt Nam', nhưng thương hiệu này đã nằm trong tay tỷ phú Philippines

Hoàng Ngân 19/04/2025 08:00

Theo ông Thái, mặc dù Jollibee là cổ đông lớn, họ chỉ đóng vai trò nhà đầu tư chiến lược và không tham gia vào vận hành hằng ngày của chuỗi.

Trong lần xuất hiện hiếm hoi trước truyền thông gần đây, ông David Thái, nhà sáng lập kiêm CEO chuỗi cà phê lớn nhất Việt Nam đã khẳng định “Highlands Coffee là doanh nghiệp Việt Nam”. Tuyên bố này khiến không ít người tò mò, bởi thực tế, thương hiệu này từ lâu đã thuộc sở hữu đa số của tập đoàn Jollibee Foods Corporation – đế chế thức ăn nhanh đến từ Philippines.

Vậy Highlands Coffee có còn là doanh nghiệp Việt? Theo ông Thái, mặc dù Jollibee là cổ đông lớn, họ chỉ đóng vai trò nhà đầu tư chiến lược và không tham gia vào vận hành hằng ngày của chuỗi. “Việc điều hành, quản lý hoạt động và định hướng thương hiệu vẫn do tôi trực tiếp lãnh đạo”, ông nói.

Ông David Thái tuyên bố 'Highlands Coffee là doanh nghiệp Việt Nam', nhưng thương hiệu này đã nằm trong tay tỷ phú Philippines
Ông David Thái, nhà sáng lập kiêm CEO chuỗi cà phê Highlands Coffee

Ông cũng so sánh với các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam như Vinamilk hay Masan – vốn có cổ đông ngoại nhưng vẫn được nhận diện là thương hiệu nội địa. Trong quá khứ, ông từng từ chối lời đề nghị mua lại từ Starbucks – ông lớn cà phê Mỹ. Lý do? Starbucks muốn ưu tiên chính họ, còn Highlands sẽ chỉ là thương hiệu phụ. “Tôi muốn Highlands phải cạnh tranh sòng phẳng, không trở thành thương hiệu phụ của ai cả”, ông kể.

Khởi nguồn từ một giấc mơ vươn tầm cà phê Việt

Ông David Thái sinh năm 1972, rời Việt Nam năm 1979 và lớn lên tại Seattle (Mỹ) – quê hương của cửa hàng Starbucks đầu tiên. Năm 1996, ông trở lại Việt Nam với giấc mơ khởi nghiệp, mang phong cách cà phê hiện đại về quê hương.

Highlands Coffee khởi đầu năm 1999 với sản phẩm cà phê rang xay đóng gói, được bày bán tại siêu thị và các điểm bán lẻ. Nhận được tín hiệu tích cực từ thị trường, ông mở cửa hàng Highlands đầu tiên tại TP.HCM – mang đến trải nghiệm cà phê mới mẻ, hiện đại, khác biệt hoàn toàn với các quán cà phê truyền thống lúc bấy giờ.

Ông David Thái tuyên bố 'Highlands Coffee là doanh nghiệp Việt Nam', nhưng thương hiệu này đã nằm trong tay tỷ phú Philippines
Ông David Thái và vợ là bà Julia Thái - người sát cánh và hỗ trợ ông rất nhiều từ những ngày đầu khởi nghiệp

Từ mô hình cao cấp với thiết kế sang trọng, Highlands tập trung phục vụ giới doanh nhân, đặt tại các vị trí đắc địa. Sau hơn một thập kỷ, hệ thống vượt mốc 50 cửa hàng, chủ yếu ở TP.HCM và Hà Nội, trước khi mở rộng ra các tỉnh thành khác.

Không chỉ phát triển chuỗi cà phê, Công ty Việt Thái Quốc tế (VTI) do ông Thái sáng lập còn sở hữu hai thương hiệu ẩm thực là Meet & Eat và Nineteen 11, đồng thời là đối tác phân phối Nike tại Việt Nam từ năm 2006.

Dưới tay Jollibee từ hơn một thập kỷ

Thực tế, từ năm 2012, Jollibee Foods Corporation (JFC - Philippines) đã chi 25 triệu USD để mua 49% mảng kinh doanh Highlands tại Việt Nam và 60% tại Hong Kong – chính thức đặt dấu ấn lên thương hiệu này. Đến năm 2016, Jollibee và Công ty Việt Thái Quốc tế (VTI) – công ty mẹ của Highlands do ông David Thái sáng lập – từng lên kế hoạch IPO và tái cơ cấu tỷ lệ sở hữu, trong đó Jollibee dự kiến nắm trên 51% vốn. Kế hoạch niêm yết này đến nay vẫn bị trì hoãn.

Đến năm 2017, JFC tiếp tục mở rộng sự sở hữu của mình và nâng tỷ lệ cổ phần tại Highlands Coffee lên 60%.

Cũng theo báo cáo tài chính năm 2024 của Jollibee, toàn bộ hệ thống Highlands Coffee đã được vận hành phần lớn bởi chính tập đoàn mẹ. Cụ thể, trong số 850 cửa hàng tại Việt Nam, có tới 716 điểm được Jollibee trực tiếp điều hành, chỉ 134 hoạt động theo mô hình nhượng quyền. Tại Philippines, toàn bộ 50 cửa hàng đều thuộc quyền quản lý của Jollibee.

Ông David Thái tuyên bố 'Highlands Coffee là doanh nghiệp Việt Nam', nhưng thương hiệu này đã nằm trong tay tỷ phú Philippines
Highlands mở rộng khắp cả nước

>> Highlands Coffee 2024: Mở rộng mạnh mẽ, đóng góp lớn vào doanh thu của 'đế chế' Jollibee

Như vậy, dù vẫn có sự hiện diện của ông David Thái ở vai trò điều hành chiến lược, Highlands Coffee hiện thực chất là một công ty con trong hệ sinh thái của tỷ phú Tony Tan Caktiong – ông chủ Jollibee.

Kể từ khi về một nhà với Jollibee, Highlands Coffee chuyển mình mạnh mẽ. Từ thương hiệu cao cấp với các cửa hàng chủ yếu tại Hà Nội và TP. HCM, Highlands mở rộng khắp cả nước, nhắm vào phân khúc đại chúng hơn, đồng thời “phủ sóng” cả Philippines.

Số lượng cửa hàng tăng mạnh qua từng năm – từ hơn 50 vào đầu những năm 2010 lên tới 900 điểm vào cuối năm 2024. Trong đó, 850 tại Việt Nam và 50 ở “quê nhà” của Jollibee. Những mặt bằng biểu tượng như phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM), quảng trường Lâm Viên (Đà Lạt), bến Bạch Đằng… đều đã ghi dấu Highlands Coffee.

Kết quả kinh doanh cũng phản ánh sự bứt phá. Năm 2024, doanh thu toàn hệ thống tại Việt Nam ước tính vượt mốc 4.500 tỷ đồng, tương đương khoảng 190 triệu USD. Lợi nhuận EBITDA đạt 2,34 tỷ peso Philippines, tương đương 1.050 tỷ đồng, đóng góp gần 6,4% vào tổng EBITDA của Tập đoàn Jollibee.

Một thương hiệu, hai bản sắc?

Dù phần lớn hoạt động, tài chính và chiến lược của Highlands Coffee đang chịu ảnh hưởng từ Jollibee, nhưng CEO David Thái vẫn khẳng định đây là “doanh nghiệp Việt”. Lý lẽ của ông dựa trên việc Highlands khởi nguồn từ người Việt, sáng lập tại Việt Nam, vận hành bởi người Việt và phục vụ thị trường nội địa.

Ông cũng nhấn mạnh điều này khi khánh thành nhà máy rang xay 500 tỷ đồng tại Bà Rịa – Vũng Tàu: “Nhà máy rang xay này là lời cam kết của chúng tôi dành cho tinh hoa cà phê Việt”.

Ông David Thái tuyên bố 'Highlands Coffee là doanh nghiệp Việt Nam', nhưng thương hiệu này đã nằm trong tay tỷ phú Philippines
Mô hình 3D của Nhà máy rang xay Cao Nguyên

Tuy nhiên, trên phương diện pháp lý và tài chính, Highlands là tài sản có giá trị chiến lược của một tập đoàn ngoại. Từng có thông tin Jollibee thậm chí đã định giá Highlands lên tới 800 triệu USD trong kế hoạch bán 10–15% cổ phần cho đối tác mới hồi 2022.

Mới đây, một thương vụ nội bộ càng làm rõ vai trò kiểm soát của tập đoàn ngoại. Cụ thể, Jollibee đã chuyển toàn bộ cổ phần tại Highlands Coffee cho công ty mẹ Honeybee Global Pte. Ltd tại Singapore. Động thái này không chỉ củng cố chuỗi kiểm soát xuyên biên giới, mà còn khiến quyền lực thực sự của thương hiệu Việt trở nên… xa xăm hơn.

Không thể phủ nhận vai trò của ông David Thái – người đặt nền móng cho Highlands Coffee, giúp chuỗi định hình phong cách cà phê hiện đại, mở lối cho thị trường F&B Việt. Song cũng cần thừa nhận rằng, Highlands không còn là một thương hiệu Việt độc lập đúng nghĩa.

Với tỉ lệ sở hữu chi phối, quyền vận hành thực tế và sự hiện diện trong báo cáo tài chính hợp nhất của Jollibee, Highlands Coffee giờ đây là một mắt xích trong hệ thống toàn cầu của tỷ phú Tony Tan Caktiong.

>> Quán cà phê ở TP.HCM trả lương nhân viên 20.000 đồng/giờ có đúng luật?

Quán cà phê ở TP.HCM trả lương nhân viên 20.000 đồng/giờ có đúng luật?

Giá cà phê, hồ tiêu tăng vọt sau chuỗi ngày 'rơi thẳng đứng'

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ong-david-thai-tuyen-bo-highlands-coffee-la-doanh-nghiep-viet-nam-nhung-thuong-hieu-nay-da-nam-trong-tay-ty-phu-philippines-287191.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Ông David Thái tuyên bố 'Highlands Coffee là doanh nghiệp Việt Nam', nhưng thương hiệu này đã nằm trong tay tỷ phú Philippines
    POWERED BY ONECMS & INTECH