Ông Trump sắp gặp ông Putin, khẳng định sẽ bắt đầu đàm phán về cuộc chiến ở Ukraine 'ngay lập tức'
Sau cuộc điện đàm kéo dài 90 phút với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Washington và Moscow sẽ "ngay lập tức" tiến hành đàm phán về giải pháp hòa bình cho Ukraine, có thể sẽ diễn ra ở Saudi Arabia.
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa thông báo Mỹ và Nga sẽ "ngay lập tức" tiến hành đàm phán về giải pháp chấm dứt xung đột tại Ukraine, sau cuộc điện đàm kéo dài 90 phút với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 11/2.
Cuộc gặp cấp cao giữa hai nhà lãnh đạo dự kiến diễn ra tại Saudi Arabia, dưới sự chủ trì của Thái tử Mohammed bin Salman. Đây là cuộc trao đổi trực tiếp đầu tiên ở cấp cao nhất giữa Washington và Moscow kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine năm 2022.
![Ông Trump sắp gặp ông Putin, khẳng định sẽ bắt đầu đàm phán về cuộc chiến ở Ukraine 'ngay lập tức' - ảnh 1](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/13/statictttc.kinhtedothi.vn-zoom-1000-uploaded-luonghaiyen-2025_02_13-_trump-putin_rxct.jpg)
Trên nền tảng Truth Social, ông Trump khẳng định hai bên đã "đồng ý hợp tác chặt chẽ" và bày tỏ tin tưởng về triển vọng thành công của các cuộc đàm phán sắp tới. Tổng thống Mỹ cũng tiết lộ kế hoạch thăm viếng lẫn nhau giữa hai nước.
Động thái này đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quan hệ Mỹ-Nga, trong bối cảnh Washington có dấu hiệu giảm hỗ trợ cho Ukraine sau gần ba năm xung đột. Trên thị trường quốc tế, giá dầu Brent đã giảm 2,3% xuống còn 75,25 USD/thùng sau thông tin này, phản ánh kỳ vọng về khả năng nới lỏng các lệnh trừng phạt năng lượng mà phương Tây áp đặt với Nga.
Đáng chú ý, ông Trump đã trao đổi với Tổng thống Putin trước khi liên lạc với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, phản ánh khả năng Washington có thể sẽ theo đuổi chính sách độc lập, không phối hợp với Kyiv và EU trong việc đàm phán với Moscow.
Các động thái gần đây của Mỹ cũng cho thấy Washington có thể sẽ không ủng hộ mạnh mẽ như trước đây về việc Ukraine gia nhập NATO cũng như yêu sách khôi phục lãnh thổ về thời điểm trước khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.
Theo tiết lộ của Tổng thống Trump, ngoài các cuộc điện đàm thường xuyên, hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ có ba cuộc gặp trực tiếp, với cuộc gặp đầu tiên tại Saudi Arabia. "Chúng tôi đã quen biết Thái tử và tôi tin rằng đây sẽ là địa điểm lý tưởng", ông Trump nhấn mạnh, đồng thời khẳng định mục tiêu chính là "đạt được hòa bình" và "ngăn chặn thêm thương vong".
Tuy nhiên, theo thông báo từ người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, dù Tổng thống Putin đồng thuận về việc "đã đến lúc hai nước cần hợp tác" và "giải pháp lâu dài có thể đạt được thông qua đàm phán", Moscow vẫn giữ lập trường cứng rắn về việc NATO cần rút lui khỏi Đông Âu và Ukraine phải công nhận việc sáp nhập bốn vùng lãnh thổ phía Đông Nam.
Động thái đơn phương của Washington đã làm dấy lên lo ngại từ các đối tác châu Âu về khả năng Mỹ sẽ không đưa EU tham gia vào tiến trình đàm phán về tương lai Ukraine, đồng thời thể hiện xu hướng mềm mỏng hơn với Moscow.
Phản ứng trước tình hình này, sáu quốc gia châu Âu, bao gồm Đức, Pháp và Anh, đã ra tuyên bố chung khẳng định cam kết "tăng cường hỗ trợ" và bảo vệ "độc lập, chủ quyền cùng toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trước cuộc xâm lược của Nga". Các nước này nhấn mạnh: "Chúng tôi mong muốn thảo luận về lộ trình phía trước với đồng minh Mỹ... Ukraine và châu Âu phải được tham gia vào mọi tiến trình đàm phán."
Trước đó cùng ngày, phát biểu tại Brussels, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth cho rằng một giải pháp hòa bình bền vững cho Ukraine "cần có những đảm bảo an ninh mạnh mẽ" để ngăn ngừa xung đột tái diễn. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn thừa nhận Washington "không cho rằng việc Ukraine gia nhập NATO là một kịch bản khả thi".
Bộ trưởng Hegseth cũng đề xuất việc triển khai lực lượng quân sự châu Âu và các nước khác, không bao gồm quân đội Mỹ, tại Ukraine sau xung đột để duy trì hòa bình. Ông lưu ý rằng các binh sĩ NATO được triển khai sẽ không được bảo vệ bởi điều khoản phòng thủ tập thể của liên minh.
Tham khảo Financial Times