Tài chính quốc tế

Thành viên chủ chốt của BRICS bất ngờ bác bỏ đồng tiền chung vì 'không muốn chung đụng' với Trung Quốc

Vũ Bấc 12/02/2025 - 09:42

Ấn Độ chính thức bác bỏ đề xuất về đồng tiền chung cho thấy nhiều thách thức căn bản về cả chính trị lẫn kinh tế trong nỗ lực phi USD hóa của khối BRICS.

Bộ trưởng Công Thương Ấn Độ Piyush Goyal trong tuần qua đã chính thức bác bỏ mạnh mẽ khả năng ra đời đồng tiền chung của khối BRICS.

Phát biểu tại Diễn đàn IT-BT Round Table 2025 do hai tạp chí hàng đầu India Today và Business Today đồng tổ chức, ông Goyal khẳng định: "Chúng tôi không ủng hộ bất kỳ loại tiền tệ BRICS nào. Hãy thử tưởng tượng Ấn Độ có một loại tiền tệ chung với Trung Quốc - điều này hoàn toàn không nằm trong kế hoạch của chúng tôi".

Thành viên chủ chốt của BRICS bất ngờ bác bỏ đồng tiền chung vì 'không muốn chung đụng' với Trung Quốc - ảnh 1
Bộ trưởng Công Thương Ấn Độ Piyush Goyal

Quyết định này của Ấn Độ - một trong những nền kinh tế lớn nhất khối BRICS - đang đặt ra thách thức nghiêm trọng cho tham vọng giảm phụ thuộc vào đồng USD của liên minh hiện có 9 thành viên, bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Iran, Ethiopia, UAE và Indonesia.

Theo giới phân tích, có nhiều lý do căn bản khiến New Delhi kiên quyết từ chối ý tưởng về đồng tiền chung. Trước hết, Ấn Độ muốn duy trì chủ quyền trong việc hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ. Một đồng tiền chung có thể khiến nước này mất quyền tự chủ trong các quyết định kinh tế quan trọng.

Sự khác biệt về cấu trúc kinh tế giữa các thành viên BRICS cũng là rào cản không thể vượt qua. Trong khi Trung Quốc là cường quốc sản xuất, Nga phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng, thì Ấn Độ lại phát triển mạnh về dịch vụ và tiêu dùng nội địa. Việc áp dụng một đồng tiền chung sẽ gặp nhiều trở ngại trong việc cân bằng lợi ích giữa các nền kinh tế có đặc thù khác biệt này.

Theo bài viết phân tích trên tờ United24, việc thiếu vắng một cơ chế điều phối chung như Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) là trở ngại then chốt cho kế hoạch ‘phi USD hóa’ của BRICS.

Không có tổ chức nào có thể hoặc bày tỏ mong muốn đảm nhiệm vai trò điều phối chính sách tiền tệ giữa các NHTW của các nước thành viên BRICS. Việc thành lập một NHTW chung đòi hỏi các quốc gia phải mở cửa hệ thống tài chính, đặt niềm tin vào một tổ chức trung ương và tuân theo chính sách thống nhất - điều này gần như bất khả thi trong bối cảnh quan hệ ngoại giao giữa một số nước thành viên hiện nay.

Thêm vào đó, hệ thống tài chính của Ấn Độ đang gắn chặt với USD và các đồng tiền chủ chốt khác. Việc chuyển sang một đồng tiền BRICS chưa được kiểm chứng có thể gây ra những biến động lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và đầu tư của nước này.

Thay vì mạo hiểm với một đồng tiền chung tiềm ẩn nhiều rủi ro, Ấn Độ chọn duy trì gắn kết với đồng USD - vẫn được xem là đồng tiền đáng tin cậy nhất trong thương mại quốc tế. Động thái này còn giúp New Delhi tăng cường quan hệ với Washington - đối tác thương mại và công nghệ ngày càng quan trọng của Ấn Độ.

Với việc Ấn Độ rút lui, triển vọng về một đồng tiền chung BRICS trở nên mờ nhạt. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng khối này vẫn có thể theo đuổi các giải pháp thay thế như đẩy mạnh giao dịch bằng nội tệ hoặc phát triển hệ thống thanh toán riêng thay thế SWIFT để giảm dần sự phụ thuộc vào đồng USD.

Là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới và là thành viên sáng lập BRICS, Ấn Độ đang theo đuổi một chính sách đối ngoại đa chiều - thận trọng và thực tế - trong đó BRICS được xem như một nền tảng để thúc đẩy tiếng nói của các nước đang phát triển.

Tuy nhiên, New Delhi cũng nhận thức rõ tầm quan trọng của việc duy trì quan hệ chặt chẽ với các đồng minh phương Tây, đặc biệt là thông qua cơ chế QUAD (bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ). Liên minh này không chỉ giúp Ấn Độ cân bằng ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mà còn mở ra cơ hội hợp tác về công nghệ và an ninh.

Tham khảo Business Today, Binance, United24

>> Quốc gia châu Á có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới ‘vỡ mộng’, dòng vốn có nguy cơ tháo chạy: Chuyện gì đã xảy ra?

‘Hạn chế’ Trung Quốc, một quốc gia châu Á bơm tiền chưa từng có vào Mỹ

23 nước nộp đơn xin gia nhập BRICS, Mỹ lên tiếng khẳng định vị thế độc tôn của đồng USD: Tham vọng trở thành khối lớn nhất thế giới của BRICS bị 'chặn đứng'?

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/thanh-vien-chu-chot-cua-brics-bat-ngo-bac-bo-dong-tien-chung-vi-khong-muon-chung-dung-voi-trung-quoc-136600.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thành viên chủ chốt của BRICS bất ngờ bác bỏ đồng tiền chung vì 'không muốn chung đụng' với Trung Quốc
    POWERED BY ONECMS & INTECH