Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (Mã PLX - HOSE) vừa công bố biên bản họp ĐHCĐ bất thường năm 2022 nhằm thông qua một số nội dung quan trọng trong đó có điều chỉnh kết hoạch kinh doanh năm 2022 và chỉ tiêu kinh doanh giai đoạn 2021 - 2025.
Trước đó, trong thông báo mời họp hồi giữa tháng 11, Petrolimex dự kiến trình cổ đông qua là việc điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh danh năm 2022 trong đó điều chỉnh kế hoạch doanh thu từ 186.000 tỷ đồng lên 240.000 tỷ song lợi nhuận trước thuế giảm mạnh 3.060 tỷ xuống còn 300 tỷ - tương ứng giảm hơn 90%.
Đối với chỉ tiêu công ty mẹ, doanh thu cũng được đẩy lên mức 180.000 tỷ đồng song lợi nhuận trước thuế giảm còn 100 tỷ đồng từ mức 1.860 tỷ đồng đã giao trước đó.
Ghi nhận lũy kế 9 tháng đầu năm, PLX đạt 225.700 tỷ đồng doanh thu thuần - tăng 88% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lãi ròng lại giảm mạnh 86% còn 312 tỷ đồng.
Theo Petrolimex, trong năm 2022, dưới tác động của rất nhiều yếu tố liên quan đến biến động bất thường dị biệt của giá dầu và nguồn cung năng lượng thế giới, cơ chế vận hành liên quan đến cấu thành giá cơ sở và sự cố từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã làm cho hoạt động kinh doanh của toàn Tập đoàn bị ảnh hưởng trực tiếp và trọng yếu. Do một số yếu tố tác động là trường hợp bất khả kháng nằm ngoài khả năng dự báo khi xây dựng kế hoạch của Tập đoàn nên việc điều chỉnh kế hoạch năm 2022 là cần thiết và phù hợp với quy định tại Thông tư 200.
Petrolimex cũng lưu ý chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đề nghị điều chỉnh được căn cứ theo các thông tin thị trường xăng dầu thế giới tại thời điểm báo cáo, trường hợp nếu giá xăng dầu thế giới đảo chiều theo xu hướng giảm, đặc biệt trong tháng 12/2022 dẫn đến Tập đoàn phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho vào thời điểm kết thúc ngày 31/12/2022 (nếu có) chưa được ước lượng để tính toán trong phương án này.
Tại thời điểm cuối tháng 9, thuyết minh báo cáo tài chính quý 3/2022 của PLX ghi nhận hàng tồn kho đạt 14.692 tỷ đồng - tăng 12% so với đầu năm trong đó tập đoàn đã trích lập khoản dự phòng tới 432 tỷ đồng (đầu năm chỉ là 224 tỷ).
Cũng tại ĐHCĐ bất thường vừa kết thúc, cổ đông đã thông qua Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển giai đoạn 2021 - 2025 trong đó doanh thu hợp nhất giai đoạn 2023 - 2025 dao động từ 165.000 - 180.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế hợp nhất trong cùng thời điểm phấn đấu duy trì từ 3.200 - 3.500 tỷ đồng.
HĐQT cũng dự kiến trình đại hội thông qua “ Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2035" trong đó nội dung đầu tiên liên quan đến Chiến lược kinh doanh các sản phẩm năng lượng mới, năng lượng sạch gồm các nội dung liên quan tới PIN/trạm sạc phục vụ xe điện EV, xăng dầu có chuẩn phát thải cao hơn, xăng dầu sinh học như ethanol và diesel sinh học; khí thiên nhiên LNG, CNG và hydrogen, efuels.
Tiếp đến là chiến lược về đổi mới, nâng cao quản trị doanh nghiệp. Trong giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2035, PLX sẽ tiếp tục áp dụng nguyên tắc và thông lệ tốt về quản trị doanh nghiệp theo Tổ chức hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) gồm 6 nguyên tắc.
Ngoài ra, tập đoàn cũng sẽ triển khai các chiến lược về đầu tư, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và tái cấu trúc, thoái vốn, sắp xếp lại doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 (cố gắng duy trì tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại Tập đoàn ở mức 75,87%).
Trên thị trường chứng khoán, sau 3 tuần hồi mạnh từ mức 24.650 đồng (phiên 15/11), cổ phiếu PLX đảo chiều giảm mạnh trong 2 phiên gần đây. Kết phiên 7/12, mã giảm 3,3% về còn 29.200 đồng thị giá.
Petrolimex trình 5 phương án xây dựng cảng, tuyến ống cấp xăng dầu cho sân bay Long Thành
PGBank chuyển trụ sở chính sang Thành Công Tower với phí thuê 33,6 tỷ đồng/năm