Vĩ mô

Phải làm rõ 'cơ chế gọi điện thoại trợ giúp' khi vi phạm giao thông để xử nghiêm

Thu Hằng 25/09/2024 22:30

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng cần phải làm rõ "cơ chế gọi điện thoại trợ giúp” khi vi phạm giao thông để xử lý nghiêm. Bởi vì khi kỷ luật, kỷ cương nghiêm túc thì trật tự an toàn giao thông sẽ tốt hơn.

Chiều 25/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) từ năm 2009 đến hết năm 2023”.

Xử lý vi phạm nồng độ cồn đạt kết quả cao

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới - Phó trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát cho biết, qua giám sát cho thấy, công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng đạt kết quả cao. Trong đó, trọng tâm là xử lý vi phạm nồng độ cồn, ma túy; chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, “cơi nới” thùng xe, chở quá số người quy định, xe hết hạn kiểm định, quá niên hạn sử dụng; vi phạm tốc độ…

Đoàn giám sát ghi nhận tình hình TTATGT đường bộ có những chuyển biến tích cực. Qua đó, số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông (TNGT) tiếp tục giảm, đặc biệt là số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến rượu, bia, xe khách, xe tải được kiềm chế.

LeTanToi.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới - Phó trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát. Ảnh: QH

Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng chỉ rõ kết quả kiềm chế và làm giảm TNGT chưa vững chắc, số người chết và bị thương do TNGT vẫn còn ở mức cao; TNGT đặc biệt nghiêm trọng vẫn xảy ra và còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng.

Bên cạnh đó, ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn diễn ra thường xuyên vào giờ cao điểm; trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, các tuyến cao tốc, tuyến cửa ngõ vào Hà Nội và TPHCM, tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra thường xuyên vào những ngày nghỉ lễ, nghỉ cuối tuần.

Các hành vi vi phạm về TTATGT đường bộ vẫn diễn ra phổ biến, người tham gia giao thông chưa thực sự tự giác, còn hiện tượng đối phó, thậm chí chống đối người thi hành công vụ.

Công tác xử lý vi phạm chưa đạt được mục tiêu mọi vi phạm đều phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định; vẫn còn hiện tượng tiêu cực trong hoạt động xử lý vi phạm về TTATGT đường bộ.

Có cảnh sát giao thông đứng chốt thì chấp hành nghiêm

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga ghi nhận, những kết quả trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, bà Nga cũng đề nghị Đoàn giám sát cần thẳng thắn nhìn nhận trong đảm bảo TTATGT thời gian qua có những tiêu cực gì? Chẳng hạn như tiêu cực của cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm, thi bằng lái, sát hạch…

Lethinga.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga

“Thực tế vừa qua cho thấy những tiêu cực này đã ảnh hưởng đến tình hình đảm bảo TTATGT. Tôi đề nghị Đoàn giám sát phải trả lời câu hỏi đó. Thành tích chúng ta đánh giá cao nhưng tiêu cực thì cũng cần đề cập rõ. Đặc biệt, trong đảm bảo TTATGT đường bộ, người dân phát hiện có rất nhiều tiêu cực”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh.

Ngoài ra, bà Nga cũng chỉ rõ một trong những nguyên nhân gây mất TTATGT, TNGT là do ý thức của người tham gia giao thông.

“Chúng tôi đã nhiều lần so sánh, cũng là con người đấy đi ra nước ngoài chấp hành rất tốt quy định về TTATGT ở đó nhưng khi về Việt Nam thì vượt đèn đỏ, các vi phạm rất nhiều. Điều này chứng tỏ luật của chúng ta chưa được thực hiện nghiêm”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp phân tích.

Từ đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị xem xét lại nhận định tại báo cáo giám sát: Nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT đường bộ của người tham gia giao thông được nâng cao.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng nêu thực tế: "Khi có cảnh sát giao thông đứng ở chốt, trạm thì mọi người chấp hành nghiêm nhưng không có cảnh sát giao thông đứng đó thì sẵn sàng vượt đèn đỏ, đi vào đường ngược chiều, đường cấm ngay. Thậm chí, ngay cả đường cao tốc vẫn có trường hợp dừng đỗ, đi lùi, đi ngược chiều".

Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu băn khoăn: Có phải do chế tài còn nhẹ hay do lực lượng chức năng tổ chức thực hiện chế tài không nghiêm?

Đề cập đến thông tin báo cáo nêu tiêu cực trong một bộ phận lực lượng thực thi nhiệm vụ, ông Thanh cho rằng phải làm rõ "cơ chế gọi điện thoại trợ giúp” khi vi phạm giao thông để xử lý nghiêm. Bởi khi kỷ luật, kỷ cương chấp hành nghiêm túc thì TTATGT sẽ tốt hơn.

vuhongthanh.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: QH

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đánh giá cao Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chủ trương, giải pháp chỉ đạo quyết liệt trong suốt quá trình giám sát và đạt những kết quả rất tích cực trong thời gian vừa qua.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, cần tập trung làm rõ hơn trên một số lĩnh vực cũng như các kiến nghị phải sát với kết quả của báo cáo. Trong đó, lưu ý rà soát số liệu đảm bảo đầy đủ, chính xác, xác định rõ trách nhiệm, các giải pháp kiến nghị đề xuất cần khái quát nhưng cũng phải cụ thể, bám sát thực tiễn, gắn trách nhiệm của từng chủ thể.

Cuối phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết tán thành thông qua về nguyên tắc dự thảo Nghị quyết Giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023.

Những phương tiện bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình

Việt Nam vẫn trong danh sách giám sát tiền tệ của Mỹ: Tín hiệu tích cực hay thách thức?

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/phai-lam-ro-co-che-goi-dien-thoai-tro-giup-khi-vi-pham-giao-thong-de-xu-nghiem-2325885.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Phải làm rõ 'cơ chế gọi điện thoại trợ giúp' khi vi phạm giao thông để xử nghiêm
    POWERED BY ONECMS & INTECH