Phải mất 50 năm cuộc đời tôi mới nhận ra không nên quá tốt với bất kỳ ai, kể cả đó là anh chị em ruột của mình
Tôi nhận ra rằng, ngay cả với anh chị em ruột cũng cần phải duy trì ranh giới nhất định về tiền bạc và tình cảm.
*Câu chuyện của ông Lương được chia sẻ trên Sohu:
Tôi là Lương, năm nay đã 53 tuổi và đang sống cùng vợ tại thị trấn nhỏ ở Quảng Đông. Trong thị trấn nhỏ này, tôi là một người được nhiều người yêu mến. Một phần vì tôi đang sở hữu một nhà hàng nổi tiếng tại đây và một phần vì tôi được mọi người nhận xét là luôn nhiệt tình giúp đỡ những người xung quanh.
Nhưng gần đây, có một điều khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều và vô cùng buồn rầu. Mỗi khi có ai hỏi lý do, tôi chỉ biết lắc đầu và thở dài nói: “Sống hơn nửa đời người mới hiểu, không thể quá tốt với anh chị em được!”.
Chuyện là gia đình tôi có 3 anh chị em, tôi là con cả, dưới còn có một em gái và một em trai. Từ nhỏ, tôi đã quen với việc chăm sóc em trai và em gái, dù là trong cuộc sống hay tình cảm, tôi luôn là người anh âm thầm hy sinh mọi thứ để các em có cuộc sống tốt. Thời thơ ấu, ba người chúng tôi vô cùng thân thiết, gắn bó và tình cảm rất sâu đậm.
Khi trưởng thành, tôi may mắn gặp được quý nhân của đời mình - một thương nhân đến từ thành phố lớn. Người thương nhân này nhìn thấy sự chăm chỉ và nỗ lực của tôi nên quyết định đưa tôi cùng khởi nghiệp. Sau vài năm nỗ lực, tôi đã nắm trong tay một khối tài sản đáng kể và nhờ đó tôi cũng kết hôn được với người vợ xinh đẹp, đảm đang của mình.
Cuộc sống dường như ngày càng tốt đẹp hơn, nhưng cùng với sự thăng tiến về địa vị xã hội và kinh tế, mối quan hệ giữa tôi và em trai, em gái cũng dần thay đổi. Các em đều đã trưởng thành nhưng mỗi khi gặp khó khăn, tôi luôn không ngần ngại đưa tay giúp đỡ chúng. Ban đầu, những sự giúp đỡ này chỉ là những ân huệ nhỏ trong cuộc sống, nhưng dần dần, 2 em bắt đầu phụ thuộc vào sự hỗ trợ tài chính của tôi.
Vợ tôi nhiều lần nói về việc này bởi cô ấy cho rằng sự giúp đỡ của tôi dành cho các em là không hợp lý, khiến chúng ỉ lại và không biết cố gắng. Khi ấy, tôi vẫn luôn bỏ ngoài tai lời vợ nói và tìm lý do để bảo vệ tình thân.
Cho đến một ngày, người em trai tôi tìm đến để mượn 1 triệu NDT để mua nhà và xe để chuẩn bị kết hôn. Lần này tôi đã do dự. 1 triệu NDT là số tiền không hề nhỏ, hơn nữa vợ tôi cũng nói rõ rằng nếu lần này tôi còn tiếp tục cho em trai mượn tiền, cô ấy sẽ ly hôn.
Dưới áp lực từ tình cảm và gia đình, đây là lần đầu tiên tôi từ chối yêu cầu của em trai. Cứ nghĩ rằng em lớn rồi nên sẽ hiểu cho tôi nhưng không ngờ đây lại là sự việc châm ngòi cho những mâu thuẫn trong gia đình, khiến anh em chúng tôi quay lưng.
Em trai bắt đầu đi nói với mọi người sau lưng tôi rằng "phất lên rồi thì xem thường người nhà". Khi những lời này đến tai, tôi vô cùng sốc và đau lòng bởi không thể tin người em trai mình yêu thương vô bờ lại có thể nói mình như vậy.
Tôi bỗng nhận ra rằng, bao năm qua sự hy sinh vô điều kiện dành cho em trai, em gái lại đổi lấy sự ỷ lại và oán trách. Tôi rất hối hận vì đã không nghe lời vợ từ đầu, khiến 2 người em của tôi trở thành những người không có chí tiến thủ, chỉ biết trông chờ vào người khác.
Từ đó trở đi, thái độ của tôi đối với em trai em gái đã có sự thay đổi rõ rệt. Tôi vẫn quan tâm đến chúng nhưng trở nên thận trọng hơn trong việc hỗ trợ tài chính. Tôi nhận ra rằng, ngay cả với anh chị em ruột, cũng cần phải duy trì ranh giới nhất định về tiền bạc và tình cảm. Sự hy sinh quá mức không chỉ khiến bản thân rơi vào khó khăn, mà còn có thể phá hủy mối quan hệ gia đình vốn hòa hợp.
Hiện tại, tôi vẫn bận rộn với việc kinh doanh nhà hàng và các hoạt động cộng đồng, nhưng mỗi khi có ai nhắc đến chuyện cũ giữa tôi và em trai em gái, tôi luôn mỉm cười và nói: "Con người cần học cách trưởng thành và thay đổi. Tình cảm gia đình tuy vô giá nhưng cũng cần được duy trì bằng lý trí."
Nguồn: Sohu