Cách đây mấy ngày, khi nói chuyện với bạn chủ tịch một công ty phần mềm có qui mô trên 1000 nhân viên, bạn ấy cho rằng “vấn đề lớn nhất hiện tại là nguồn nhân lực anh ạ, tuyển dụng và đào tạo không kịp nhu cầu tăng trưởng, thành ra các công ty toàn tuyển người của nhau, cạnh tranh nhân lực bằng cách tăng lương để câu người của nhau”.
Một công ty phần mềm khác lớn hơn cũng cho biết “tỷ lệ nhân viên nhảy việc năm 2021 tăng hơn năm 2020, bọn em phải làm chương trình tăng năng xuất lao động để có thể tăng thu nhập cho nhân viên, với hy vọng giữ chân nhân viên không nhảy việc”.
Bỏ qua chuyện cạnh tranh nguồn lực giữa các công ty phần mềm, tôi thấy đó chính là tín hiệu đáng mừng cho kinh tế Việt Nam, cho ngành CNTT, đặc việt là phần mềm: cạnh tranh nguồn lực cao chứng tỏ ngành phần mềm, đặc biệt là phần mềm xuất khẩu vẫn đang tăng trưởng cao, bất chấp đại dịch, bất chấp đường bay quốc tế bị đứt đoạn, bất chấp lệnh lockdown phong toả.
Ngành phần mềm có đặc điểm là dễ dàng chuyển sang trạng thái làm việc tại nhà (WFH), mỗi người chỉ cần một chiếc máy tính (có thể thêm dăm chiếc smart phone), kết nối internet là có thể làm việc ở nhà với hiệu xuất đôi khi còn cao hơn hiệu xuất làm việc tại văn phòng (vì tiết kiệm được thời gian đi lại). Chính vì vậy khi lockdown, phong toả, vấn đề lớn nhất là bán hàng, ký hợp đồng chứ không phải sản xuất. Mà bán hàng thì các văn phòng đại diện, công ty ở nước ngoài đảm nhiệm rồi.
Khảo sát sơ bộ trong năm 2020, 2021 tốc độ tăng trưởng của các công ty phần mềm xuất khẩu thường cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam cỡ 2 đến 4 lần.
Bằng chứng rõ nhất là số các công ty phần mềm có qui mô trên 700 nhân viên (hoặc doanh thu trên 1000 tỷ) mà các sáng lập là người từ FPT tách ra hiện cũng phải cỡ 6-8 công ty, rồi chính từ các công ty ấy lại có nhiều người khác tách ra lập công ty mới. Điều đó chứng tỏ tốc độ tăng trưởng của ngành phần mềm rất cao.
Tăng trưởng cao, không ảnh hưởng bởi lệnh lockdown, phong toả, chính làm việc ở nhà đã tạo cho các lãnh đạo công ty cách quản lý, điều hành công ty từ xa, tuyển dụng và quản lý nhân viên người nước ngoài, bán hàng quốc tế…
Vấn đề lớn nhất bây giờ là việc đào tạo nguồn nhân lực CNTT, phần mềm. Đây là chiến lược của quốc gia, của ngành giáo dục đào tạo, không một công ty nào có thể làm được.
Dù sao thì giữa đại dịch, giữa khó khăn của nền kinh tế, trong giai đoạn phong toả, cách ly, có những ngành vẫn tăng trưởng tốt, vẫn thiếu nguồn lực, vẫn tăng xuất khẩu thu ngoại tệ về cho đất nước cũng là điểm sáng, đáng mừng rồi.