Sống

Phát hiện hóa thạch hoàn chỉnh 'rồng Trung Quốc' sống cách đây 240 triệu năm

Hải Yến 29/02/2024 11:17

Gần đây, họ phát hiện thêm các hóa thạch mới và ghép lại với nhau để tái dựng đầy đủ cơ thể dài tới 5m của loài ăn thịt cổ đại này.

Loài bò sát biển được mệnh danh là "rồng Trung Quốc" có chiếc cổ dài 2,3 m với 32 đốt sống cổ, giúp phục kích con mồi dưới nước.

Live Science hôm 23/2 đưa tin, các nhà khoa học hé lộ những hóa thạch ấn tượng của một loài bò sát cổ đại sống dưới biển được phát hiện ở Trung Quốc. Loài vật này sống cách đây 240 triệu năm và được mệnh danh là "rồng Trung Quốc", tên khoa học Dinocephalosaurus orientalis. Chúng sử dụng chiếc cổ dài đặc biệt để phục kích con mồi ở vùng nước nông trong kỷ Tam Điệp (252 triệu đến 201 triệu năm trước).

Hóa thạch

Hóa thạch "rồng Trung Quốc", tên khoa học Dinocephalosaurus orientalis

"Rồng Trung Quốc" được phát hiện lần đầu trong các mỏ đá vôi ở miền Nam Trung Quốc vào năm 2003, nhưng giới khoa học chưa chắc chắn về hình dạng của chúng do hóa thạch chưa hoàn chỉnh. Giờ đây, họ phát hiện thêm các hóa thạch mới và ghép lại với nhau để tái dựng đầy đủ cơ thể dài tới 5m của loài ăn thịt cổ đại này. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Earth and Environmental Science: Transactions of the Royal Society of Edinburgh.

"Đây là một ví dụ nữa về thế giới kỳ lạ và tuyệt vời trong kỷ Tam Điệp, khiến các nhà cổ sinh vật tiếp tục bối rối. Chúng tôi chắc chắn rằng nó sẽ khiến thế giới hào hứng với vẻ ngoài nổi bật, gợi nhớ đến rồng Trung Quốc trong thần thoại - một sinh vật dài và giống rắn", Nick Fraser, người phụ trách khoa học tự nhiên tại Bảo tàng Quốc gia Scotland, cho biết.

Các hóa thạch hé lộ một số điểm nổi bật của loài bò sát biển cổ đại. Ấn tượng nhất là chiếc cổ dài gần 2,3m với 32 đốt sống riêng biệt, trong khi hươu cao cổ (cũng như con người) chỉ có 7 đốt sống cổ.

Hình minh họa

Hình minh họa

Chiếc cổ nhiều đốt và giống rắn của rồng Trung Quốc có thể đã giúp nó tiếp cận con mồi một cách hiệu quả và tấn công. Hóa thạch của một số con cá vẫn được lưu giữ trong bụng quái vật biển. Ngoài ra, nó còn có hàm răng dạng răng cưa và các chi dạng chân chèo. Dù sống dưới nước và có cổ thon dài, rồng Trung Quốc không có họ hàng gần với thằn lằn đầu rắn, sinh vật tiến hóa sau khoảng 40 triệu năm và có thể là nguồn cảm hứng của quái vật hồ Loch Ness.

"Chúng tôi hy vọng các nghiên cứu tương lai sẽ giúp hiểu thêm về sự tiến hóa của nhóm động vật này, đặc biệt là cách thức hoạt động của chiếc cổ dài", Stephan Spiekman, thành viên nhóm nghiên cứu, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Bang Stuttgart, cho biết.

*Theo Live Science; Ảnh: Bảo tàng Quốc gia Scotland

>> Phong tỏa khẩn cấp hiện trường thi công đường cao tốc do công nhân đào trúng báu vật trăm triệu năm, chuyên gia tiến hành nghiên cứu, công nghệ cao được đưa vào khai thác

Số phận bi thảm của hai pho tượng Phật khổng lồ gần 1.500 tuổi trên con đường tơ lụa cổ đại, một trong hai tượng Phật đứng lớn nhất trên thế giới

Phát hiện khu rừng cổ đại gần 400 triệu năm tuổi lâu đời nhất thế giới, chỉ cách đô thị sầm uất một đoạn lái xe

Phát hiện đường hầm 2.300 tuổi dưới ngôi đền cổ: Dài 1.350m, hé lộ trình độ khoa học kỹ thuật 'vượt thời gian'

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/phat-hien-hoa-thach-hoan-chinh-rong-trung-quoc-song-cach-day-240-trieu-nam-d117017.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Phát hiện hóa thạch hoàn chỉnh 'rồng Trung Quốc' sống cách đây 240 triệu năm
POWERED BY ONECMS & INTECH