Các chuyên gia hy vọng rằng manh mối này có thể giúp giải mã về vụ máy bay MH370 của hãng Malaysia Airlines mất tích bí ẩn cách đây 10 năm trước.
Đã 10 năm trôi qua kể từ khi chiếc máy bay chở khách MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị mất tích. Cho đến tận bây giờ, đây vẫn là một trong những bí ẩn lớn nhất trong lịch sử ngành hàng không thế giới.
Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia, lớp vỏ hà bám trên các mảnh vỡ máy bay MH370 được tìm thấy ở Ấn Độ Dương có thể là chìa khóa để khám phá điều gì đã xảy ra với chiếc máy bay này vào năm 2014.
Được biết, con hà là một loài sinh vật có khả năng bám vào bề mặt của bất cứ thứ gì ở trên biển và sẽ sống ký sinh ở trên đó. Vỏ con hà có một đặc điểm rất đặc biệt là nó tăng trưởng qua từng ngày, tạo ra các lớp chồng lên nhau. Mỗi lớp này đều có tính chất hóa học dựa vào nhiệt độ nước biển vào thời điểm vỏ hình thành.
Các chuyên gia cho biết rằng các vỏ hà bám trên những mảnh vỡ có thể sẽ cung cấp các thông tin liên quan đến nhiệt độ nước khác nhau mà vỏ sò đã tiếp xúc trong thời gian tồn tại. Từ đó, các chuyên gia có thể định vị được các chuyển động ở nơi lần đầu tiên vỏ hà bám vào các mảnh vỡ và xác định vị trí nơi mà chiếc máy bay MH370 chạm mặt nước.
Tờ Daily Mail đăng tải, Gregory Herbert - Phó Giáo sư Sinh học tiến hóa của Đại học Nam Florida (Mỹ) là người dẫn đầu một nghiên cứu mới. Một năm sau khi vụ tai nạn xảy ra, vị chuyên gia này đã xem xét hình ảnh mảnh cánh phụ được xác nhận của MH370 dạt vào đảo Reunion ngoài khơi châu Phi.
“Ngay khi nhìn thấy điều đó, tôi ngay lập tức bắt đầu gửi email cho các nhà điều tra tìm kiếm vì tôi biết rằng đặc điểm địa hóa học trên vỏ của những con hà có thể cung cấp manh mối về vị trí vụ tai nạn”, ông Gregory Herbert cho biết.
Kể từ khi chiếc máy bay mang số hiệu MH370 mất tích, hình ảnh vệ tinh và quét radar đã được sử dụng nhằm có thể xác định được địa điểm nghi ngờ nơi máy bay xảy ra tai nạn. Dẫu vậy, trong suốt 10 năm qua, vị trí chính xác máy bay mất tích vẫn chưa được xác định.
Theo các nhà khoa học, giống như những vòng sinh trưởng trên thân cây, vỏ của những sinh vật biển như vỏ hà cũng chứa đựng những ghi chép lịch sử về vòng đời của chúng. Giải mã những thông tin đó và bắt đầu lần theo đường đi của chúng trên những mảnh cánh phụ MH370 để có thể đến được vị trí máy bay rơi.
Như vậy, thông qua việc phân tích những con hà bám trên các mảnh vỡ đã được tìm thấy, các chuyên gia hy vọng rằng sẽ tìm ra được những manh mối có giá trị.
Nhà khoa học người Pháp Joseph Poupin cho biết: “Những con hà lớn nhất có thể đã cư trú trên mảnh vỡ máy bay ngay sau vụ tai nạn và rất gần với vị trí vụ tai nạn thực tế, nơi chiếc máy bay đang an nghỉ”.
Quay ngược về quá khứ, vào ngày định mệnh 8/3/2014, chuyến bay mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines đã biến mất khỏi radar ngay sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế Kuala Lumpur không lâu.
Thật khó để tin rằng một chiếc Boeing 777-200ER chở 239 người lại bỗng nhiên biến mất một cách bí ẩn mà không thể giải thích. Nhiều cuộc tìm kiếm công phu đã được tiến hành, tuy nhiên, không hề có một dấu vết nào của hành khách trên chiếc máy bay được tìm thấy suốt thập kỷ qua.
>> Hàng không liên tục gặp sự cố: Boeing 787 gặp nhiễu động không khí, 12 người bị thương