Mặc dù món nướng thơm ngon, nhưng quá trình chế biến lại tạo ra rất nhiều khói.
Cơ quan Nghiên cứu Ung thư quốc tế (IARC) - thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Viện Ung thư Quốc gia Mỹ (NCI) đã đưa ra cảnh báo về mối nguy hiểm tiềm ẩn từ khói thịt nướng, xếp loại đây là chất gây ung thư thuộc nhóm 1, tức là có bằng chứng rõ ràng về khả năng gây ung thư cho con người.
Khói từ thịt nướng gây hại cho sức khỏe con người theo hai cách chính: một là tác động đến gen, gây đột biến gen, dẫn đến hình thành và phát triển các tế bào ung thư; hai là làm suy yếu hệ miễn dịch, làm cho cơ thể dễ bị các tế bào ung thư khác tấn công.
Một trong những chất đầu tiên là hydrocacbon thơm đa vòng (PAHs), được tạo ra khi cháy than, gỗ, dầu và khí đốt ở nhiệt độ cao. Khi thực hiện việc nướng thịt, PAHs từ khói bám vào bề mặt thịt và sau đó được hấp thụ vào cơ thể khi ăn.
PAHs gây tổn thương cho gene DNA, dẫn đến đột biến gen và hình thành các tế bào ung thư. Đồng thời, chúng cũng làm suy yếu hệ miễn dịch, làm cho cơ thể trở nên dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây ung thư khác.
Chất thứ hai là amin dị vòng (HCAs), được tạo ra khi protein trong thịt, đặc biệt là thịt đỏ, phân hủy ở nhiệt độ cao. HCAs cũng gây tổn thương cho DNA và gây đột biến gen, tăng nguy cơ mắc các loại ung thư như ung thư đại tràng, ung thư trực tràng, ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt.
Bên cạnh PAHs và HCAs, khói từ việc nướng thịt cũng chứa nhiều chất độc hại khác có khả năng gây ung thư. Formaldehyde gây ung thư cho da, mũi và họng; dioxin có khả năng gây ung thư gan, da và gây ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch; furan gây ung thư cho gan và phổi.
Thực tế, ung thư có rất nhiều nguyên nhân, bao gồm yếu tố di truyền và lối sống. Để giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư do khói từ việc nướng thịt, người dân nên chọn nơi nướng thoáng khí, tránh nướng trong nhà hoặc không gian kín, giữ khoảng cách xa khi nướng thịt. Đeo khẩu trang khi nướng và sau đó làm sạch cơ thể kỹ sau khi nướng thịt xong cũng là biện pháp cần thiết.
Một cách khác là nấu chín thịt trước để giảm thời gian nướng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ngọn lửa bằng cách sử dụng nhiệt độ thấp hơn. Đặt thịt lên giấy bạc hoặc trên giá cao hơn cũng giúp giảm tiếp xúc với ngọn lửa. Lật thịt thường xuyên có thể làm giảm quá trình cháy thành than và ngăn ngừa sự hình thành của các chất gây ung thư.
>> Nghiên cứu của Bệnh viện K: Gần 97% bệnh nhân ung thư phổi có thói quen này