Phát hiện vết nứt dài trên đồi, TP Hòa Bình sơ tán 47 hộ dân
Xuất hiện nhiều vết nứt, điểm sạt lở ở trên đồi, nhiều hộ dân tại TP Hòa Bình và 1 số huyện đã được sơ tán, di dời khẩn cấp đến nơi an toàn.
Sáng 23/9, lãnh đạo UBND phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) xác nhận, địa phương vừa di dời khẩn cấp 47 hộ dân trong khu vực nguy cơ sạt lở đất.
Cụ thể, sau những trận mưa kéo dài, chiều 22/9, người dân khu vực tổ 1, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) phát hiện có vết nứt dài ở khu vực đồi sau khu dân cư, nguy cơ sạt lở cao nên đã báo cáo với cơ quan chức năng.
Ngay khi nắm bắt thông tin, UBND phường Thống Nhất cùng lực lượng công an đã có mặt kịp thời kiểm tra tình hình và lên phương án di dời khẩn cấp các hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt lở.
Đến 22h cùng ngày, 47 hộ gia đình với 138 nhân khẩu tại khu vực tổ 1, phường Thống Nhất đã di dời khẩn cấp đến nơi an toàn.
Không riêng TP Hòa Bình, nhiều địa phương khác của tỉnh Hòa Bình cũng đã tiến hành di dời khẩn cấp các hộ dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.
Tại xã Tuân Đạo (huyện Lạc Sơn, Hòa Bình) chính quyền xã đã phải di dời thêm 6 hộ dân ở xóm Rài đến nơi an toàn trước nguy cơ sạt lở cao. Nguyên nhân là do các điểm nứt, sụt lún thay đổi hướng sạt lở gây nguy hiểm cho 6 hộ dân nói trên.
Ở huyện Đà Bắc, khu vực Đồi Cái thuộc xóm Riêng, xã Tú Lý xuất hiện vết nứt xung quanh đồi dài khoảng 200m và sạt lở đất đá xuống gần khu dân cư sinh sống (nhà gần nhất cách chân đồi 200m).
Hiện các lực lượng chức năng đã hỗ trợ di dời 13 hộ với 61 nhân khẩu và tài sản đến nơi an toàn.
Cùng thời điểm, tại xã Đoàn Kết (huyện Yên Thủy, Hòa Bình) đã xuất hiện nhiều vết nứt tại khu vực đồi ở xóm Mền Liên Kết, có nguy cơ sạt lở, gây nguy hiểm tới 6 hộ dân sống xung quanh đồi.
Các vết nứt trên đồi theo nhiều hướng khác nhau, chiều dài trung bình từ 20-30cm; vết nứt có chiều rộng lớn nhất vào khoảng 20cm, nhỏ nhất khoảng 5cm. Địa phương đã di dời 6 hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Hoà Bình điều chỉnh dự án du lịch tâm linh thành khu nghỉ dưỡng 5.000 tỷ
Cất nóc trung tâm thương mại Aeon Mall 1.000 tỷ đồng, đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long