Vĩ mô

Phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên biển - Cơ hội và thách thức

Đỗ Hương 16/08/2023 - 15:39

Nuôi hải sản xa bờ, phát triển quy mô công nghiệp, nâng cao chất lượng và giá trị thủy sản được xem là xu hướng tất yếu để đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280 nghìn ha với 10 triệu m3 lồng nuôi và sản lượng khoảng 850 nghìn tấn, xuất khẩu đạt 1 tỷ USD.


 Cần những chính sách thúc đẩu cho nghề nuôi biển - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Sáng 16/8, tại Hà Nội, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt tổ chức tọa đàm trực tuyến chủ đề: “Phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên biển - Cơ hội và thách thức”.

Với đường bờ biển dài, nhiều eo vịnh, đảo, nước ta có tiềm năng to lớn để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trên biển. Biển Đông còn là ngôi nhà của hàng nghìn loài hải sản nhiệt đới rất phong phú, trong đó nhiều loài có giá trị kinh tế cao như cá chim, cá mú, cá vược, tôm hùm, bào ngư, các loài nhuyễn thể…

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, diện tích nuôi biển mới chỉ chiếm khoảng hơn 20% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước. Rất ít doanh nghiệp tham gia đầu tư nuôi biển quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, máy móc thiết bị còn đơn giản, thiếu con giống, thức ăn và công nghệ lồng nuôi lạc hậu.

Phần lớn vật liệu lồng nuôi được làm từ gỗ hoặc tre, quả phao xốp nổi và khối xốp. Lồng nuôi thô sơ nên không chịu được sóng gió, dễ bị sóng đánh hư hỏng, còn vật liệu xốp gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng sau thời gian bị thải bỏ.

Ông Trần Công Khôi, Trưởng phòng Giống và thức ăn thủy sản (Cục Thủy sản) cho biết: Việt Nam có 3.260 km bờ biển và 1 triệu km mặt biển, có khoảng 500 nghìn ha mặt nước có thể nuôi biển được, nghĩa là tiềm năng nuôi biển về mặt diện tích là rất lớn. 

"Có rất nhiều vùng, địa phương có thể phát triển nuôi biển, nhưng chúng tôi tạm chia thành các vùng chính như sau: Thứ nhất vùng phía bắc, nơi các cửa sông, cửa biển có thể phát triển nuôi cá, nhuyễn thể, giáp xác. Vùng thứ 2 là Duyên hải miền Trung, ở vùng này có thể nuôi cá biển quy mô lớn, sản lượng lớn. Vùng thứ 3 là Đông Nam Bộ và vùng thứ 4 là Tây Nam Bộ.

Về đối tượng nuôi cũng khá phong phú, đa dạng, từ các loại cá đến các loại nhuyễn thể (ngao, sò, hàu…), giáp xác (tôm hùm…) đến nhóm rong biển cũng đang có nhiều tiềm năng lớn để phát triển", ông Trần Công Khôi nói.

Công tác nuôi biển cũng nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua hàng loạt các chính sách, chủ trương. Điển hình là Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã được phê duyệt với tầm nhìn, mục tiêu, giải pháp cụ thể.

Theo đó, việc chuyển đổi sang nuôi hải sản xa bờ, phát triển quy mô công nghiệp, hướng tới xuất khẩu, nâng cao chất lượng và giá trị thủy sản Việt Nam được xem là xu hướng tất yếu nhằm đạt mục tiêu từ nay đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280 nghìn ha với 10 triệu m3 lồng nuôi và sản lượng khoảng 850 nghìn tấn, xuất khẩu đạt từ 0,8-1 tỷ USD. Đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300 nghìn ha với 12 triệu m3 lồng nuôi và sản lượng 1,45 triệu tấn, xuất khẩu đạt từ 1,8-2 tỷ USD. 

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho biết, chúng ta có nhiều thuận lợi, có thể khai thác nghề nuôi biển không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bên cạnh đó, cũng còn nhiều khó khăn, trong đó 99% số trại nuôi trên biển là quy mô hộ gia đình nên sức đầu tư nhỏ, mức độ cơ giới hóa yếu, phần lớn các bè nuôi thủ công, tận dụng các vật liệu, trong đó có vật liệu có thể gây hại môi trường.

Cùng với đó, các chuỗi nuôi biển đang manh nha nhưng nhỏ, chưa có sự kết nối hay việc cung cấp cá giống cũng chưa được kiểm định chặt chẽ. 

 Cần những chính sách thúc đẩu cho nghề nuôi biển - Ảnh 2.

Ông Trần Công Khôi, Trưởng phòng Giống và thức ăn thủy sản, Cục Thủy sản - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Du lịch cần đồng hành với nuôi biển

Ông cũng đưa ra hình ảnh: "Du lịch đi đến đâu thì nuôi biển lùi đến đó" khi lâu nay hầu như hai lĩnh vực này không thể sống chung bởi nhiều địa phương chưa hài hòa lợi ích được hai lĩnh vực này. Thậm chí, du lịch hiện đang chiếm ưu thế hơn vì giá trị kinh tế thu lại.

Về vấn đề này, ông Trần Công Khôi cho biết, hiện cũng có nhiều mô hình phối hợp giữa du lịch và nuôi biển đã manh nha xuất hiện và đem lại đa giá trị cho cả du khách và người nuôi biển.

Đồng tình với ý kiến của ông Khôi, ông Đặng Xuân Trường, Trưởng phòng Khuyến ngư, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN&PTNT) cho biết, Trung tâm khuyến nông đã cùng phối hợp xây dựng một số mô hình nuôi biển và kết hợp du lịch tại Nha Trang và Quảng Ninh. Những mô hình này được xây dựng bằng cách liên kết và tiêu thụ sản phẩm… giúp giảm chi phí đầu vào và đầu ra được đảm bảo ổn định.

Thanh Hoá tiếp tục ‘bác’ đề xuất chuyển dự án nuôi thủy sản thành khu nghỉ dưỡng

Xuất khẩu thuỷ sản khởi sắc, Bộ Nông nghiệp chỉ đạo khẩn

Agribank dành gói tín dụng ưu đãi 3.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm, thủy sản

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/phat-trien-nuoi-trong-thuy-san-tren-bien-co-hoi-va-thach-thuc-102230816110307994.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên biển - Cơ hội và thách thức
POWERED BY ONECMS & INTECH