Phó Thủ tướng Lê Minh Khái mong muốn doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Singapore chủ động, tích cực hơn nữa, phát huy tối đa khả năng, lợi thế so sánh của nhau, sự năng động, sáng tạo, dám đột phá với những hướng đi, cách làm mới, nghĩ lớn để tiến xa.
Ngày 7/7, tại Hà Nội, đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp khu vực - Singapore lần thứ 7 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore (SBF) tổ chức.
Dự diễn đàn có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, lãnh đạo các bộ ngành, doanh nghiệp.
Về phía Singapore có Bộ trưởng thứ hai Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore Tan See Leng cùng đại diện hơn 700 doanh nghiệp, trong đó có 400 doanh nghiệp tham dự bằng hình thức trực tuyến.
Cơ hội khởi tạo những ý tưởng mới
Bày tỏ vui mừng tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Khu vực – Singapore, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao việc Việt Nam là quốc gia đầu tiên ngoài Singapore được chọn là nơi tổ chức Diễn đàn.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: "Đây là sự kiện rất có ý nghĩa, thể hiện sự tin tưởng, coi trọng và quan tâm sâu sắc của doanh nghiệp Singapore nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp quốc tế nói chung đối với môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam. Và càng đặc biệt hơn khi diễn đàn này diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược.
Với dự hiện diện của hàng trăm đại diện doanh nghiệp Singapore và nhiều nước khác hôm nay, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái mong rằng: "Diễn đàn sẽ là cơ hội để chúng ta cùng nhau đi sâu trao đổi, đề xuất và khởi tạo những ý tưởng mới, cơ hội mới về đầu tư kinh doanh trong giai đoạn phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch, góp phần đưa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước nói riêng, với khu vực và thế giới nói chung ngày càng gắn kết và thành công hơn nữa".
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, diễn đàn năm nay diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực đang diễn biến với những thay đổi nhanh chóng, hết sức phức tạp, vượt ra khỏi các dự báo thông thường.
Chưa bao giờ các nền kinh tế trên thế giới và khu vực ASEAN phải ứng phó cùng lúc với nhiều thách thức, rủi ro đan xen, đa chiều, phức tạp như hiện nay. Nhưng cũng chưa bao giờ chúng ta chứng kiến những nỗ lực, quyết tâm cao độ của các nước nhằm khắc phục và vượt qua hậu quả của đại dịch COVID-19, từng bước phục hồi và phát triển kinh tế bền vững.
Phó Thủ tướng cho rằng, trong bức tranh xám màu của kinh tế thế giới hiện nay, những xu thế tích cực vẫn được duy trì với nhu cầu hòa bình, ổn định, hợp tác để phát triển vẫn là dòng chảy chính. Châu Á - Thái Bình Dương vẫn là động lực tăng trưởng của thế giới (đóng góp khoảng 39% GDP, 36% xuất khẩu toàn cầu). ASEAN vẫn là điểm sáng tăng trưởng của khu vực (dự báo 2023 tăng trưởng đạt khoảng 4,8%, gấp 7 lần tốc độ tăng trưởng của nhóm nước phát triển) và Singapore tiếp tục là một trong những đầu tàu dẫn dắt đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á.
Đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả
Trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới, Việt Nam cũng không tránh khỏi những tác động tiêu cực. Là một nền kinh tế có độ mở lớn nhưng quy mô còn khiêm tốn, năng lực cạnh tranh và sức chống chịu trước những cú sốc từ bên ngoài còn hạn chế, kinh tế Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng đáng kể bởi bối cảnh kinh tế thế giới, khu vực, nhất là đối với các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, thu hút đầu tư, kinh doanh bất động sản và chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu…; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp.
Trong tình hình hết sức khó khăn đó, Việt Nam đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, đối sách thích ứng với diễn biến của tình hình quốc tế, trong nước và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện, thực hiện thành công "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển KTXH: Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng phục hồi, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; an sinh xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, tăng cường; uy tín, vị thế của Việt Nam tiếp tục được nâng lên trên trường quốc tế.
Phó Thủ tướng chia sẻ, để tiếp tục vượt qua mọi thách thức, thực hiện thành công mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, Việt Nam đang nỗ lực xây dựng và hoàn thiện: nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, lấy người dân là chủ thể, động lực và mục tiêu cho sự phát triển.
Trong giai đoạn mới, Việt Nam đang đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả; ưu tiên tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng. Trong đó, Việt Nam xác định lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá.
Chưa bao giờ quan hệ Việt Nam - Singapore tốt đẹp và toàn diện như ngày nay
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: "Trong hành trình đó, chúng tôi mong muốn tiếp tục được tăng cường hợp tác ngày càng sâu rộng và thực chất với Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Singapore".
Trải qua chặng đường 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm phát triển quan hệ đối tác chiến lược, chưa bao giờ quan hệ Việt Nam – Singapore tốt đẹp và toàn diện như ngày nay.
Quan hệ giữa hai nước được xem là điển hình của mối quan hệ năng động và hiệu quả trong ASEAN, trở thành hình mẫu để thúc đẩy các cơ chế hợp tác nội khối cũng như trong khu vực và trên thế giới.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái dẫn chứng: 12 khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) tại 9 tỉnh/thành phố của Việt Nam hoạt động ngày càng hiệu quả đã trở thành biểu tượng hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Singapore là nhà đầu tư lớn thứ 2 ở Việt Nam (3.200 dự án và 73,4 tỷ USD vốn đăng ký). Các doanh nghiệp Singapore đã tham gia hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế của Việt Nam và luôn nghiêm túc triển khai các dự án đúng tiến độ, đạt hiệu quả cao.
Ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư sang Singapore gần 150 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký gần 700 triệu USD, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực hoạt động chuyên môn và khoa học công nghệ.
Về thương mại, Singapore tiếp tục là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam trong khu vực với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 9,2 tỷ USD theo hướng ngày càng cân bằng hơn (tăng 11,6% so với năm 2021).
Mở ra nhiều cơ hội lớn thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam - Singapore hướng đến tầm cao mới
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, những kết quả hợp tác nêu trên là đáng khích lệ, nhưng vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng hợp tác của hai bên. Bối cảnh phát triển mới với nhiều thách thức, nhưng cũng đang mở ra nhiều cơ hội lớn để quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Singapore tiếp tục hướng đến tầm cao mới, tương xứng hơn với tiềm năng, mong muốn của cả hai bên.
Để góp phần đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Singapore phát triển sâu rộng và hiệu quả hơn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái gợi mở một số định hướng.
Thứ nhất, doanh nghiệp hai nước cần chủ động, tích cực hơn nữa, phát huy tối đa khả năng, lợi thế so sánh của nhau, sự năng động, sáng tạo, dám đột phá với những hướng đi, cách làm mới; nghĩ lớn để tiến xa; thực hiện đúng các cam kết đầu tư, đã nói là phải làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã thực hiện là phải có kết quả, cân đong đo đếm được; tuân thủ quy định pháp luật; phát huy trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với người lao động, để cùng nhau phát triển thịnh vượng.
Về phần mình, Chính phủ Việt Nam cam kết nỗ lực tạo lập môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp hai nước cùng hợp tác kinh doanh thuận lợi, hướng đến các chuẩn mực của OECD. Đó là: Giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô; tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế về thể chế pháp luật, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực; phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics và chi phí hành chính; xây dựng môi trường - chính sách ổn định, có tính dự báo cao và thực thi minh bạch.
Đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực Singapore có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu và tiềm năng phát triển
Thứ hai, Việt Nam và Singapore đều là thành viên của các FTA thế hệ mới (RCEP, CPTPP). Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị doanh nghiệp hai nước cần nỗ lực tận dụng hiệu quả những lợi ích mà hiệp định này mang lại, góp phần ủng hộ hệ thống thương mại đa phương và đóng góp vào quá trình hồi phục kinh tế của hai nước và cả khu vực hậu đại dịch.
Thứ ba, là trung tâm tài chính hàng đầu khu vực, Việt Nam mong cộng đồng doanh nghiệp Singapore tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tiếp cận các nguồn đầu tư dịch chuyển, tài chính xanh, phục vụ nhu cầu phát triển bền vững trong các lĩnh vực như đổi mới sáng tạo, hạ tầng thông minh, giao thông xanh, doanh nghiệp khởi nghiệp, đào tạo nhân lực chất lượng cao, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Thứ tư, Phó Thủ tướng đề nghị hai bên đẩy mạnh đầu tư, hợp tác trong các lĩnh vực mà Singapore có kinh nghiệm và thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu và tiềm năng phát triển, nhất là phát triển các khu công nghiệp sinh thái gắn với đô thị thông minh, đô thị sinh thái, dịch vụ chất lượng cao tạo thành các hệ sinh thái công nghiệp - đô thị; chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, đào tạo nhân lực chất lượng cao...
Thứ năm, tiếp tục mở rộng phạm vi hợp tác, phát huy vai trò và hiệu quả của Khuôn khổ hợp tác kết nối hai nền kinh tế Việt Nam – Singapore và Khuôn khổ Đối tác kinh tế số, kinh tế xanh vừa được hai nước ký kết vào tháng 02/2023.
Đặc biệt, cần phát huy tối đa hiệu quả Tổ công tác chung về đổi mới sáng tạo Việt Nam – Singapore để thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác toàn diện trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp. Mong Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore (SBF) cùng các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp hai nước tiếp tục đóng vai trò là cầu nối hiệu quả giữa Singapore và Việt Nam trong các lĩnh vực này.
Chính phủ luôn đồng hành, tạo thuận lợi để các nhà đầu tư kinh doanh thành công, bền vững và lâu dài ở Việt Nam
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: Trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", thực hiện nhất quán chủ trương bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư, doanh nghiệp, Chính phủ Việt Nam khẳng định luôn đồng hành, lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư Singapore nói riêng triển khai các hoạt động đầu tư, kinh doanh thành công, bền vững và lâu dài ở Việt Nam.
Với những nỗ lực, quyết tâm, thiện chí của cả hai bên và trên hết là sự hiểu biết sâu sắc về nhau cùng các lợi ích gắn kết ngày càng chặt chẽ, hợp tác kinh tế sẽ tiếp tục là trụ cột quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam và Singapore, là động lực để đưa quan hệ hai nước tiếp tục tiến lên những tầm cao mới.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tin tưởng: "Diễn đàn sẽ đưa ra được nhiều ý tưởng hay và quan trọng hơn cả là những giải pháp cụ thể để đưa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước nói riêng, giữa cộng đồng doanh nghiệp khu vực và quốc tế nói chung ngày càng gắn kết và thành công hơn nữa, mang lại hiệu quả thực chất, vì lợi ích của từng doanh nghiệp, người dân của hai nước và khu vực".
"Thành công của các bạn cũng chính là thành công của chúng tôi", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.
* Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã tiếp Bộ trưởng thứ hai Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore Tan See Leng cùng lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu Singapore.
Juneyao Airlines ra mắt đường bay thẳng từ Thượng Hải đến Hà Nội
Bất ngờ học vấn của Mr. Pips: IELTS 8.5, học bổng toàn phần tại Singapore