9 ngân hàng dính án phạt nặng vì liên quan vụ rửa tiền chấn động Đông Nam Á
Singapore mạnh tay trấn áp rửa tiền, loạt tổ chức tài chính lớn chịu án phạt sau bê bối chấn động làm rung chuyển giới tài chính quốc tế.
Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) ngày 5/7 đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với sáu ngân hàng và ba tổ chức tài chính khác, với tổng số tiền phạt lên tới 27,45 triệu đô la Singapore (tương đương 21,5 triệu USD), liên quan đến vụ rửa tiền lớn nhất từng được phát hiện tại quốc đảo này vào năm 2023.
Vụ án chấn động này liên quan đến hơn 3 tỷ đô la Singapore (2,2 tỷ USD) tài sản bất hợp pháp bị thu giữ sau khi lực lượng chức năng Singapore đồng loạt tiến hành các cuộc truy quét vào tháng 8/2023, bắt giữ 10 đối tượng người nước ngoài. Đây được xem là vụ án rửa tiền lớn nhất trong lịch sử nước này.
Mức xử phạt lần này chỉ thấp hơn một chút so với khoản tiền phạt 29,1 triệu đô la Singapore mà MAS từng áp đặt lên tám ngân hàng trong vụ bê bối liên quan đến quỹ đầu tư nhà nước Malaysia 1MDB hồi năm 2017.

Các ngân hàng bị xử phạt gồm: Credit Suisse, UOB, UBS, Citibank, Julius Baer và LGT Bank — với mức phạt dao động từ 1 triệu đến 5,8 triệu đô la Singapore cho mỗi tổ chức.
Bên cạnh đó, ba tổ chức tài chính phi ngân hàng cũng bị xử phạt, gồm công ty môi giới chứng khoán UOB Kay Hian (2,85 triệu SGD), công ty quản lý tài sản Blue Ocean Invest (2,4 triệu SGD) và công ty cung cấp dịch vụ ủy thác và quỹ Trident Trust Company Singapore (1,8 triệu SGD).
Đây là động thái kết thúc quá trình điều tra và xử lý vi phạm của MAS đối với các tổ chức tài chính có liên quan đến vụ án.
Thiếu sót trong hệ thống kiểm soát
Về phía tội phạm, 10 đối tượng rửa tiền đã bị kết án tù với thời hạn từ 13 đến 17 tháng. Sau khi mãn hạn tù, họ bị trục xuất và cấm vĩnh viễn nhập cảnh trở lại Singapore.
Theo điều tra, các đối tượng này đã sử dụng tài sản thu được từ các hoạt động lừa đảo trực tuyến và cờ bạc bất hợp pháp ở nước ngoài để gửi vào tài khoản ngân hàng tại Singapore, sau đó chuyển hóa thành các tài sản như bất động sản, xe hơi, túi xách hàng hiệu và trang sức.
MAS cho biết họ đã phát hiện nhiều sai sót trong việc đánh giá rủi ro khách hàng, truy xuất nguồn gốc tài sản của khách hàng và theo dõi các giao dịch khả nghi tại các tổ chức tài chính bị xử phạt.
"Hiện các tổ chức tài chính đã triển khai các biện pháp khắc phục và MAS sẽ tiếp tục giám sát tiến độ thực hiện", cơ quan này cho biết trong thông cáo báo chí.
Bên cạnh các khoản phạt, MAS cũng ban hành lệnh cấm hành nghề đối với 4 cá nhân, không cho phép họ tham gia vào các hoạt động tài chính thuộc phạm vi quản lý của MAS.
Trả lời truyền thông, ngân hàng UOB cho biết họ đã nhanh chóng triển khai các biện pháp khắc phục trong hai năm qua và đầu tư đáng kể nhằm nâng cao năng lực quản lý rủi ro nội bộ. UBS, đơn vị đã tiếp quản Credit Suisse vào tháng 3/2023, cho biết họ công nhận các phát hiện và đã hợp tác đầy đủ với giới chức Singapore trong suốt quá trình điều tra.
Blue Ocean Invest cho biết họ đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và triển khai các biện pháp nâng cấp chính sách, quy trình nội bộ. Đại diện Trident Trust Company cũng xác nhận đã hợp tác với MAS trong quá trình thanh tra và thực hiện kế hoạch khắc phục sai phạm.
Các ngân hàng Citibank, Julius Baer, LGT Bank và công ty môi giới UOB Kay Hian hiện chưa phản hồi yêu cầu bình luận.
Trước đó vào tháng 8/2023, Singapore đã khởi tố hai cựu nhân viên ngân hàng của Citi và Julius Baer vì làm giả tài liệu vay vốn và chứng từ thuế nhằm phục vụ hoạt động rửa tiền.
Chính phủ Singapore cũng đang thúc đẩy cải cách nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cơ quan thực thi pháp luật trong việc xử lý các hành vi rửa tiền. Đáng chú ý, vào tháng 6/2024, chính phủ nước này đã xác định lĩnh vực ngân hàng là ngành có nguy cơ rửa tiền cao nhất trong toàn bộ nền kinh tế.
Theo CNBC
>> Bắt khẩn cấp người đàn ông Trung Quốc rửa tiền hơn 1.200 tỷ đồng, trốn truy nã của Interpol
Truy tố cựu nhân viên ngân hàng lừa đảo khách trong suốt 9 năm
Ông trùm ngân hàng Jamie Dimon gióng hồi chuông cảnh báo kinh tế Mỹ sẽ sớm xấu đi