Từng có giá 46.000 đồng, sau 13 năm, cổ phiếu PPI hiện chỉ còn giá 700 đồng/cổ phiếu.
CTCP Đầu tư và Phát triển Dự án Hạ tầng Thái Bình Dương (Mã PPI - UPCoM) công bố kết quả kinh doanh quý 3/2022 với ghi nhận không doanh thu trong khi cùng kỳ năm 2021 đạt hơn 113 tỷ đồng. Đáng nói, đây cũng là quý thứ 3 liên tiếp doanh nghiệp mảng bất động sản này không xuất hiện doanh thu kể từ đầu năm 2022.
Do vẫn ghi nhận các khoản chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí khác nên quý 3, công ty báo lỗ sau thuế 1,2 tỷ đồng - tăng so với mức lỗ 290 triệu của cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là quý lỗ thứ 21 liên tiếp của công ty kể từ khoản lãi 122 triệu đồng hồi quý 2/2017.
Công ty cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng "trắng doanh thu" là do chưa có công trình, các dự án mới đang tiếp thị - chưa triển khai trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp vẫn phải duy trì để tiếp tục sản xuất.
Một dự án của PPI
Lũy kế 9 tháng năm 2022, PPI báo lỗ sau thuế gần 2,7 tỷ đồng - tăng 43% YoY. Lỗ lũy kế đến hết tháng 9 ghi nhận ở mức 633 tỷ.
Do lỗ lũy kế nhiều năm nên vốn chủ sở hữu của công ty hiện đang âm tới 143 tỷ đồng. Cổ phiếu PPI trên thị trường chững bị đưa vào diện hạn chế giao dịch trên UPCoM và hiện chỉ còn giá 700 đồng/cổ phiếu.
Đến cuối quý 3/2022, tổng tài sản của công ty tiếp tục giảm về còn 143 tỷ đồng - chỉ bằng một nửa tổng nợ (mức 285 tỷ) - trong đó PPI đang ghi nhận khoản trích lập dự phòng tới 326 tỷ đồng bao gồm: 65 tỷ dự phòng khoản phải thu ngắn hạn khó đòi; 254 tỷ dự phòng phải thu dài hạn khó đòi và 6,8 tỷ dự phòng cho khoản đầu tư tài chính dài hạn.
Trong cơ cấu nợ của doanh nghiệp, nợ ngắn hạn ghi nhận ở mức 106 tỷ đồng - gấp 2,15 lần quy mô tài sản ngắn hạn.
Theo tìm hiểu, CTCP Đầu tư và Phát triển Dự án Hạ tầng Thái Bình Dương là doanh nghiệp có quy mô vốn điều lệ gần 483 tỷ đồng. Công ty đưa cổ phiếu lên niêm yết trên HOSE từ ngày 12/4/2010 với mức giá tham chiếu 32.000 đồng thị giá và tăng lên mức 46.400 đồng ít phiên sau đó.
Ngay khi chào sàn với mức giá tăng mạnh, hàng loạt cổ đông lớn và cổ đông nội bộ của PPI đã bán ra. Cụ thể, ngay trong tuần giao dịch thứ 2 lên sàn, Công ty Chứng khoán Âu Việt (AVS) - cổ đông lớn sở hữu 7,92% vốn - đồng thời là người có liên quan với Thành viên HĐQT PPI đã bán ra 300.000 cổ phiếu PPI để giảm sở hữu xuống 4,92% (tương đương 493.000 cổ phiếu). Sau đó, AVS tiếp tục có thêm 2 đợt thoái vốn nữa và rút toàn bộ vốn khỏi PPI vào ngày 17/5 cùng năm.
Tương tự, Công ty Chứng khoán Sài Gòn - cổ đông lớn sở hữu 5,09% vốn PPI cũng bán 50.000 cổ phiếu để giảm sở hữu xuống 460.000 cổ phiếu - tỷ lệ 4,59%. Sau giao dịch, SSI không còn là cổ đông lớn của PPI nên việc bán tiếp sau đó không phải công bố.
Ngoài 2 tổ chức trên, con gái ông Phạm Đức Tấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc PPI cũng đã bán gần như toàn bộ 14.390 cổ phiếu PPI nắm giữ trong thời gian từ 10/5 - 10/7/2010.
Ngay sau đó, PPI đã tiến hành phát hành thêm 5 triệu cổ phiếu để tăng vốn lên 150 tỷ đồng (hiện PPI có vốn điều lệ 482,9 tỷ đồng), đồng thời HĐQT PPI cũng thông qua việc phát hành 350 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ để huy động vốn đầu tư vào các dự án.
Sau hiệu ứng chào sàn và các cổ đông lớn, cổ đông nội bộ bán mạnh ra, cổ phiếu PPI đã giảm nhanh kể từ đầu tháng 8/2010 về vùng 20.000 đồng vào cuối năm 2010 và đến cuối năm 2012 chỉ còn hơn 3.2x đồng thị giá.
CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (Mã TDH - HOSE) - một trong những thành viên sáng lập cũng đã thoái vốn và không còn là cổ đông lớn tại PPI khi hiện cỉ còn nắm giữ 4,97 triệu cổ phiếu.
Đến thời điểm hiện tại, Chủ tịch Phạm Đức Tấn chính là cổ đông lớn duy nhất của công ty với tỷ lệ sở hữu 5,3% vốn. Việc có quá ít cổ đông lớn - gắn trực tiếp quyền lợi của bản thân vào mục đích hoạt động của công ty - khiến PPI vẫn chưa thoát ra khỏi vòng quay thua lỗ.
Về kết quả kinh doanh, năm 2010 được xem là năm công ty ghi nhận kết quả kinh doanh tốt nhất với doanh thu 435 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 39,5 tỷ đồng. Sau năm chào sàn tốt đẹp, tình hình kinh doanh của PPI tụt dốc mạnh các năm sau đó.
Đặc biệt, kể từ năm 2016 đến nay, công ty bắt đầu ghi nhận tình cảnh kinh doanh thua lỗ, với đỉnh điểm là các năm 2018 - 2020. Trong thời gian này, doanh thu công ty lao dốc mạnh và rơi về đáy chỉ 7 tỷ đồng (năm 2019).
Kết thúc năm tài chính 2020, vốn chủ sở hữu của PPI chính thức chuyển âm 116 tỷ sau ghi nhận khoản lỗ nặng 180 tỷ đồng
Điều đáng quan ngại là sự xuất hiện và tồn động của các khoản phải thu khác hàng khổng lồ trong tổng cơ cấu tài sản trong đó quý 3/2022, giá trị khoản mục này (bao gồm cả ngắn và dài hạn) là gần 128 tỷ - chiếm tới gần 90% tổng tài sản.
Thậm chí trong nhiều năm qua, giá trị các khoản phải thu khách hàng luôn chiếm tỷ trọng lớn từ 50 - 100% so với doanh thu của doanh nghiệp dẫn tới nghi ngại về việc doanh thu và lợi nhuận của công ty không phản ánh thực chất hoạt động.
Cùng với vấn đề nêu trên, việc PPI ghi nhận các khoản trích lập dự phòng với giá trị lớn cũng là vấn đề lớn của doanh nghiệp phát triển bất động sản này.
Thế giới Di động làm gì khi gần 60.000 nhân viên nghỉ việc?
Một doanh nghiệp tại Thanh Hóa có gần 12.000 tỷ đồng lãi vay quá hạn thanh toán