PVCombank có lẽ khó có cửa đòi được "núi nợ" tại CTCP Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (Mã PVY - UPCoM) trong bối cảnh doanh nghiệp này liên tục lỗ sâu (khiến nguồn tiền trả nợ eo hẹp) và việc nhà băng này tiếp tục "tạo điều kiện" giãn nợ cho "khách hàng ruột" này.
CTCP Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (Mã PVY - UPCoM) vừa công bố kết quả kinh doanh quý II/2022 với doanh thu đạt gần 68 tỷ đồng - giảm 40% so với cùng kỳ 2021 song lại tăng gần 60% so với quý trước đó.
Trong kỳ, giá vốn bán hàng tăng mạnh 40% so với quý trước đó - đạt gần 76 tỷ đồng và chí phí lãi vay duy trì ở mức hơn 13 tỷ đồng đã khiến doanh nghiệp báo lỗ 22,8 tỷ đồng - tăng lỗ gấp hơn 5 lần so với mức lỗ cùng kỳ năm 2021.
Trước đó trong quý I/2022, công ty đã ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 41 tỷ đồng; kinh doanh dưới giá vốn khiến PVY lỗ gộp gần 13 tỷ đồng và lỗ ròng hơn 27,5 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, PVY ghi nhận tổng doanh thu đạt 109,4 tỷ đồng - giảm mạnh 36% so với bán niên 2021; lỗ sau thuế - tăng lên mức 50,4 tỷ đồng - gấp hơn 2 lần số lỗ cùng kỳ.
Đến thời điểm 30/6/2022, doanh nghiệp ghi nhận chi phí phải trả ngắn hạn tăng 10% so với đầu năm lên mức 313 tỷ đồng trong đó khoản chi phí lãi vay tăng lên mức 295 tỷ đồng.
Tính đến cuối quý II, PVY còn nợ tổng cộng gần 1.100 tỷ đồng -tăng nhẹ so với mức 1.068 tỷ đồng hồi đầu năm. PVY đang có khoản nợ dài hạn đến hạn trả gần 500 tỷ đồng - tăng mạnh so với thời điểm đầu năm. Đây là khoản nợ dài hạn đến hạn phải trả của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ủy thác qua Tổng Công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) - nay là Ngân hàng PVcombank. PVY cho biết, công ty đang làm việc với chủ nợ để cơ cấu khoản vay này.
Trong khi đó, khoản vay dài hạn dù vẫn còn ở mức 79,1 tỷ đồng. Được biết, đây là phần còn lại của khoản vay tại Tổng Công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) - nay là Ngân hàng PVcombank và được thế chấp bằng các tài sản máy móc, thiết bị của công ty. Khoản vay này bao gồm 2 hợp đồng tín dụng trong đó HĐ1 ngày 17/5/2011 cho phép PVY vay 641 tỷ đồng, thời gian vay đến 24/5/2012 và được gia hạn đến cuối tháng 11/2014; HĐ2 ngày 18/3/2011 cho phép PVY vay 250 tỷ đồng, thời hạn vay đến tháng 4/2012. Tuy nhiên, tháng 5/2013, 2 khoản vay này tiếp tục được cơ cấu và gia hạn đến cuối năm 2018.
Kế đó, đến cuối tháng 6/2015, PVY tiếp tục được PVcombank chấp thuận cho gia hạn khoản nợ này đến ngày 30/6/2024. Được biết, số dư nợ gốc còn lại tính đến ngày 30/6/2022 vẫn còn gần 610 tỷ đồng.
Như vậy sau hơn 11 năm kể từ ngày ký kết 2 hợp đồng vay vốn tại PVcombank, PVY mới chỉ trả được 301/911 tỷ đồng nợ gốc... Và phía PVcombank cũng tiếp tục "tạo điều kiện" cho công ty này thực hiện nghĩa vụ trả nợ đến năm 2024.
Cập nhật đến hết quý II/2022, PVY tiếp tục ghi nhận quý lỗ thứ 24 liên tiếp; tổng tài sản hiện ở mức 749,6 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu -347,7 tỷ đồng; tổng lỗ lũy kế được nâng lên mức -940,2 tỷ đồng. PVY hiện chỉ còn 22,6 tỷ đồng tiền và tương đương tiền - giảm mạnh 60% so với mức 57,9 tỷ đồng hồi đầu năm.
Lãi hơn 20 tỷ đồng, 1 doanh nghiệp họ dầu khí ngắt chuỗi 28 quý lỗ liên tiếp
PVY: Lỗ lũy kế vượt 1.000 tỷ đồng, vốn chủ âm nặng sau quý 4/2022