Loại bom này được dùng để phát quang cây cối làm bãi đỗ trực thăng hoặc trận địa pháo, cũng như sát thương đối phương.
BLU-82/B (Bomb Live Unit-82) hay còn có tên Big Blue(BLU) 82, là một loại siêu bom. Nó nặng 6,8 tấn, dài 6,6m, đường kính thân 1,37m, chứa 12.600 pound chất nổ GSX (chất nổ ở dạng gel) mang tên DBA-22M mà thành phần chủ yếu là amoni nitrat, bột nhôm, polystyrene.
Tuy nhỏ hơn Cloudmaker khá nhiều nhưng BLU-82 sở hữu sức mạnh vô cùng lớn. Nó được thiết kế hình dạng bên ngoài như một chiếc bình chứa khí loại lớn cho thấy cấu tạo, cơ chế hoạt động và mục đích của loại bom này cũng có nhiều điểm khác.
Trọng lượng và kích thước của quả bom lớn đến nỗi nó chỉ được chở bằng máy bay vận tải C130, chủ yếu là phiên bản MC-130. Loại bom được chế tạo nhằm phát quang cây cối làm bãi đáp trực thăng hoặc dàn trận địa pháo. Với cơ chế hoạt động đặc biệt, quả bom được kích nổ ngay trên mặt đất (không tạo ra hố bom) và có thể san phẳng mọi thứ trên một diện tích lên tới 100.000m2. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin cho rằng, BLU-82 cũng từng được dùng nhằm tiêu diệt quân đối phương, gây sát thương lớn.
Bom tách khỏi máy bay C-130 bằng một bộ dù kéo và dù hãm. Điều này khiến việc thả bom phải thực hiện ở độ cao khá thấp nhằm hạn chế tối thiểu sự sai lệch điểm rơi do thả dù gây ra. Độ cao tối thiểu để thả mà không bị ảnh hưởng bởi vụ nổ của BLU-82 là 1,8km.
Khoang chứa của C-130 đủ rộng cho 2 quả bom loại này nhưng thực tế, chúng chỉ mang 1 trái duy nhất trong các lần hành động. Nếu trong các trường hợp đặc biệt, máy bay không thể thả hết 2 trái bom và buộc phải quay trở về căn cứ, đặc điểm thiết kế của C-130 sẽ khiến nó hạ cánh thiếu an toàn với một trái bom còn lại trong khoang.
BLU-82 được kích nổ bằng ngòi nổ dài 38 inch M904 ở đầu trái bom, ngoài ra còn có một ngòi dự phòng M905 ở phần đuôi. Bom nổ lần đầu ở cách mặt đất 30m, hình thành một đám mây mù rơi xuống đất, khi cách mặt đất vài mét sẽ kích nổ lần thứ hai, sinh ra sóng xung kích mạnh, có thể sát thương con người trong bán kính hơn 100m. Vì trước khi nổ nó phải hình thành đám mây nhiên liệu thể tích rất lớn, để nhiên liệu phản ứng kết hợp hết với oxy trong không khí nên loại bom này cũng được gọi là “bom mây”.
Cách kích nổ trên không này giúp tối ưu hóa hiệu ứng san phẳng bề mặt của sóng xung kích, đồng thời không để lại hố bom. Cây cối và các chướng ngại vật mềm trong vùng tác sát thương của vụ nổ đều bị đốn nát và thổi bay. Vì vậy, chúng còn được gọi là Daisy Cutter (lưỡi chém hoa cúc).
Quả BLU-82 cuối cùng được dùng vào năm 2008 sau đó nó chính thức nghỉ hưu. Hiện nay, loại bom này đóng vai trò làm giáo cụ để đào tạo chuyên biệt “chất và thả” hàng cho không quân cũng như là đồ trưng bày trong viện bảo tàng.
Tại Việt Nam, năm 2013, hướng tới ngày thế giới phòng chống bom mìn 4/4, hàng trăm loại bom, mìn, vật liệu nổ còn sót lại từ thời chiến tranh đã được trưng bày tại Bảo tàng Công binh (số 290B Lạc Long Quân, Hà Nội), trong đó có quả bom BLU-82 nặng gần 7 tấn.