Vị tướng đầu tiên của Cách mạng Việt Nam nhận sắc lệnh phong tướng trước Đại tướng Võ Nguyên Giáp, là học trò xuất sắc của Bác Hồ

16-03-2024 00:24|Quỳnh Như

Ông là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một trong những người lính cách mạng đầu tiên ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Tháng 12/1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Thực hiện chỉ thị của Người, ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo (nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân làm lễ thành lập, gồm 3 tiểu đội với 34 chiến sĩ được lựa chọn từ những người ưu tú của các đội du kích Cao - Bắc - Lạng, Cứu quốc quân... do Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy.

Ngược dòng lịch sử, có thể thấy, để tính toán việc giành chính quyền từ tay thực dân Pháp và bè lũ phong kiến, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nghĩ đến việc xây dựng lực lượng vũ trang từ rất sớm. Người quan niệm, dựa vào sức dân có thể giành được chính quyền, nhưng nếu không có lực lượng vũ trang thì việc giữ được chính quyền còn khó hơn nhiều. Và người được Bác Hồ lựa chọn đầu tiên để xây dựng quân đội là Phùng Chí Kiên.

Tài năng quân sự kiệt xuất

Phùng Chí Kiên tên thật là Nguyễn Vĩ, sinh ngày 18/5/1901 trong một gia đình nông dân ở làng Mỹ Quan, tổng Vạn Phần (nay là xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Học hết bậc sơ học, do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, ông phải nghỉ học ở nhà làm ruộng. Trước cảnh đất nước bị đô hộ ông đã sớm mang trong mình những khát khao, hoài bão cứu nhà, cứu nước, cứu dân.

pck-anh.jpeg
Chân dung đồng chí Phùng Chí Kiên. Ảnh tư liệu

Năm 1925, Nguyễn Vĩ ra làm thuê ở ga Yên Lý, Diễn Châu. Thời gian này ông đã được giác ngộ, dìu dắt, giúp đỡ để tham gia hoạt động cách mạng.

Tháng 10/1926, ông được tổ chức cử đến Quảng Châu, dự lớp huấn luyện chính trị đầu tiên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức. Ông đã đổi tên là Phùng Chí Kiên. Sau khóa học, ông được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc gửi vào học Trường Quân sự Hoàng Phố.

Vào tháng 12/1929, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc, gia nhập Hồng quân; thời gian sau được tín nhiệm và được bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 4, Quân đoàn 2, Hồng quân Đông Giang.

Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) vào năm 1930. Tháng 1/1931, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã gửi ông sang học trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản.

Sau thời gian hoạt động ở nước ngoài, ngày 28/1/1941, Phùng Chí Kiên cùng với 4 người nữa đã theo lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vượt cột mốc 108 về Pác Bó (Cao Bằng) để xây dựng phong trào cách mạng.

Trong quá trình hoạt động, Bác Hồ lại giao cho ông soạn thảo các bài viết về "Con đường giải phóng dân tộc", trong đó có nội dung về đấu tranh vũ trang, chiến tranh cách mạng, chiến thuật chiến tranh du kích, đồng thời tổ chức các lớp huấn luyện quân sự cho các địa phương ở Cao Bằng, đào tạo cán bộ Việt Minh cho các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn và các tỉnh miền xuôi. Ông được phân công phụ trách công tác quân sự Đảng, trực tiếp chỉ đạo khu căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai và Đội Cứu quốc quân.

Sắc lệnh phong tướng đầu tiên

Du kích Bắc Sơn (ảnh to) và vị tướng Phùng Chí Kiên (ảnh nhỏ). Ảnh tư liệu/Báo Hà Nội Mới

Du kích Bắc Sơn (ảnh to) và vị tướng Phùng Chí Kiên (ảnh nhỏ). Ảnh tư liệu/Báo Hà Nội Mới

Tháng 9/1940, khởi nghĩa Bắc Sơn nổ ra, gây tiếng vang lớn trong cả nước làm thực dân Pháp ra sức tìm cách đối phó. Cuối tháng 6/1941, chúng mở cuộc càn quét lớn vào khu căn cứ cách mạng của ta nhằm bắt các đồng chí lãnh đạo Đảng, tiêu diệt cơ quan đầu não của Việt Minh và lực lượng vũ trang cách mạng mới hình thành.

Ngày 21/8/1941, đơn vị do ông Phùng Chí Kiên chỉ huy trên đường rút lui lên Cao Bằng bị địch phục kích. Ông đã chiến đấu anh dùng tới viên đạn cuối cùng và bị sa vào tay giặc.

Ngày 22/8/1941, địch đã hành quyết ông ở Ngân Sơn, Bắc Kạn. Ông hy sinh ở tuổi 40, giữa lúc tài năng đang nở rộ.

Phùng Chí Kiên - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những người lính cách mạng đầu tiên ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Sự hy sinh của ông là một tổn thất lớn cho cách mạng lúc bấy giờ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng khẳng định: “Phùng Chí Kiên là một người cộng sản kiên trung, một vị tướng tài ba của quân đội ta. Trọn một đời đi theo Đảng, theo Bác Hồ tham gia cách mạng và kháng chiến”.

Ngày 23/9/1947, ghi nhận công lao của ông trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 89/SL truy phong cấp tướng cho ông. Đây là sắc lệnh phong tướng đầu tiên của Nhà nước ta.

Tháng 11/2003, Đảng, Chính phủ ra quyết định công nhận ông là nguyên Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng (khóa I - từ Đại hội II của Đảng năm 1951 đã thành lập ra Bộ Chính trị và không còn Ban Thường vụ Trung ương Đảng), cán bộ lãnh đạo quân đội cấp tướng, liệt sĩ hy sinh anh dũng trong chiến đấu.

Ngày nay, tên của ông đã được đặt cho các con đường ở Hà Nội, Vinh, Đồng Hới, Huế, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Hải Dương, Lào Cai và Lạng Sơn. Năm 2010, Khu lưu niệm Phùng Chí Kiên đã được xây dựng xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An và đến ngày 23/8/2011 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Lịch sử cấp Quốc gia.

>> Vị tướng trí dũng song toàn của Việt Nam được mệnh danh là 'hổ tướng', được ông Hoàng Nam Tiến tôn kính tuyệt đối

Vị tướng quân tài ba được ví là 'Hậu Nghệ phiên bản Việt’: xuất thân giàu có, nhìn người chọn ngựa, có tài bắn cung 'trăm phát trăm trúng'

Vị tướng xuất thân nông dân được đích thân Bác Hồ đặt tên: Nhận phong hàm Đại tướng khi mới 45 tuổi, con trai cũng là Thượng tướng lỗi lạc

'Chiến thần' đất Việt chưa bao giờ nếm mùi thất bại, làm rể vị tướng quân vĩ đại trong lịch sử phong kiến Việt Nam

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/vi-tuong-dau-tien-cua-cach-mang-viet-nam-nhan-sac-lenh-phong-tuong-truoc-dai-tuong-vo-nguyen-giap-la-hoc-tro-xuat-sac-cua-bac-ho-d118126.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Vị tướng đầu tiên của Cách mạng Việt Nam nhận sắc lệnh phong tướng trước Đại tướng Võ Nguyên Giáp, là học trò xuất sắc của Bác Hồ
POWERED BY ONECMS & INTECH