Thế giới

Quan tâm, bảo vệ quyền lợi sát sườn

Tâm Ngô (Từ New Hampshire, Mỹ) 05/11/2024 - 08:38

Một ngày mùa Thu, lá xanh chuyển mình thay màu dưới nắng vàng ươm trong cái chớm lạnh giao mùa ở New Hampshire, một trong những tiểu bang đẹp nhất nước Mỹ. Đường phố cũng rộn rã sắc màu với các tấm biển mang tên ứng viên tổng thống và thông điệp muốn nhắn nhủ.

Biển giăng đầy các con phố lớn nhỏ, thậm chí là sân vườn của nhà dân, những người đặc biệt quan tâm tình hình chính trị của nước Mỹ. Họ thể hiện quan điểm ngay tại sân vườn nhà mình; ngay cả trên chiếc xe họ lái hằng ngày cũng mang tên người mà họ sẽ bỏ phiếu ủng hộ. Họ đội mũ, mặc áo có in tên và hình của người mà họ muốn trở thành chủ nhân Nhà Trắng.

Quan tâm, bảo vệ quyền lợi sát sườn ảnh 1
Tuần hành ủng hộ ứng viên tổng thống Donald Trump ở New York ngày 3/11. Ảnh: Hà My

Tâm tư người nhập cư

Tôi, một người nhập cư, đến Mỹ với tâm thế tìm con đường học vấn cho các con, và cũng là để tìm một cuộc sống “dễ thở” hơn so với cuộc sống bận rộn ở Hà Nội vào năm 2013 khi bọn trẻ đến tuổi tới trường. Tôi quyết định đi học thạc sĩ mặc dù trong tay đã có bằng thạc sĩ ngoại ngữ của Trường Đại học Southern New Hampshire (Mỹ) kết hợp với Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Tôi biết khi mẹ đi học thì con sẽ được đi theo và học miễn phí tại trường công lập ở Mỹ. Tôi xin được visa cùng một lúc cho cả gia đình (gồm hai vợ chồng và hai con gái nhỏ), kịp ngày nhập học - một ngày chớm Thu năm 2013.

Sau sáu năm, vật lộn với cuộc sống mới và đi học, rồi xin việc, đặc biệt là tìm được một công ty/trường học để bảo lãnh cho mình ở lại làm việc hợp pháp ở Mỹ, đến Hè năm 2019, cả nhà tôi có thẻ định cư hay còn gọi là thẻ xanh. Và vào một ngày đầu Thu năm nay, sau năm năm kể từ ngày có thẻ xanh, cả nhà tôi nhận được quốc tịch Mỹ sau khi trải qua bài thi lịch sử và phỏng vấn với nhân viên sở di trú tại thành phố Manchester, nơi gia đình tôi sinh sống và làm việc.

Quan tâm, bảo vệ quyền lợi sát sườn ảnh 2
Banner, biển chỉ dẫn nơi bỏ phiếu ở bang Massachusetts ghi bằng tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Trung, tiếng Hàn và tiếng Việt. Ảnh: Tâm Ngô

Vậy là sau 11 năm, lần đầu tiên gia đình tôi được chính thức đi bỏ phiếu bầu tổng thống vào kỳ bầu cử khá đặc biệt này. Tôi là giáo viên của một trường tư, chồng tôi là nhân viên điều khiển máy cho một công ty của Mỹ; mức thu nhập trung bình cũng đủ để hai vợ chồng có một cuộc sống khá ổn định để nuôi hai con đi học. Ở Mỹ, đúng như nhiều người nói, thà nghèo hẳn để có được nhiều trợ cấp từ chính phủ hoặc phải thật giàu thì mới sống thoải mái được, chứ không nghèo mà cũng chẳng giàu như gia đình tôi thì việc gì cũng phải tự lo, mà lại phải đóng thuế khá cao, con đi học đại học sẽ phải trả tiền học phí nếu không đủ giỏi để xin học bổng.

Tuy nhiên, với chúng tôi, những người đã trải qua đầy gian nan những ngày đầu đến Mỹ, có một ngôi nhà tạm gọi là “ngôi nhà mơ ước” và mỗi người có một chiếc xe đàng hoàng để đi làm là đủ rồi. Ở Mỹ, không quá khó nếu muốn có thêm thu nhập, chỉ cần nỗ lực, chăm chỉ thì cơ hội để mua thêm nhà và xe sang là trong tầm tay.

Vì sao tôi lại nói đến vấn đề việc làm và kinh tế trong bài viết về bầu cử của năm nay? Vì những điều này liên quan trực tiếp đến chính sách và đường lối của mỗi vị ứng viên tổng thống giữa hai đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa: bà Kamala Harris và ông Donald Trump. Gia đình tôi sẽ bầu cho ai?

Quan tâm, bảo vệ quyền lợi sát sườn ảnh 3
Các tấm biển ghi tên ứng viên và thể hiện quan điểm của cử tri được đặt trong vườn nhà dân ở thành phố Manchester, bang New Hamphire, Mỹ. Ảnh: Tâm Ngô

Các vấn đề thiết thân

Thực ra, tôi không quá quan tâm đến vấn đề chính trị, nhưng tôi là giáo viên, tôi quan tâm đến các chính sách có ảnh hưởng đến học sinh của tôi, đặc biệt là sự an toàn với súng đạn trong trường học, khi gần đây vẫn xảy ra xả súng tại các trường học ở Mỹ. Tôi cũng là một người dân đi làm đóng thuế trên từng giờ làm việc của mình và mong sau này về già, tôi sẽ được hưởng các quyền lợi của người già sau bao nhiêu năm đi làm đóng thuế, mà không phải cố gắng dành dụm một khoản riêng từ bây giờ để sau này không phải nhờ đến con cái. Điều này đã được bà Harris nêu rõ và cam kết thực hiện trong cuộc bà đi vận động tại tiểu bang Pennsylvania tuần trước. Tôi là người mẹ của hai cô con gái, nên tôi muốn quyền làm mẹ của các con tôi được chính mình quyết định và bảo vệ.

Tuy nhiên, với chính sách nhận người nhập cư ồ ạt của đảng Dân chủ của đương kim Tổng thống Joe Biden, nhiều người dân Mỹ không ủng hộ. Gia đình tôi vào Mỹ với bốn tấm visa hợp pháp, và chúng tôi đã phải cố gắng rất nhiều, phải làm việc chăm chỉ và nỗ lực không ngừng để có được quốc tịch sau 11 năm. Việc ồ ạt tiếp nhận những người nhập cư bất hợp pháp đang có mặt trên đất Mỹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công việc và cuộc sống của chúng tôi.

Theo thống kê của Sở Di trú, tháng 7/2023, Mỹ có 11,7 triệu dân nhập cư, tăng 800.000 người so với cùng kỳ năm 2022. Đây là một vấn đề rất nhạy cảm khi nhiều người cho rằng Mỹ cần phải kiểm soát con số nhận người nhập cư, nhưng cũng có nhiều người theo chủ nghĩa nhân quyền lại phản đối kịch liệt việc từ chối nhận người tị nạn bất hợp pháp trên đất Mỹ.

Đến hôm nay (ngày 4/11), tình hình chính trị trong nước nóng hơn bao giờ hết, một vài tiểu bang trước đây hoàn toàn ủng hộ đảng Cộng hòa thì giờ lại nghiêng về đảng Dân chủ. Hai ứng viên Harris và Trump vẫn đang bám đuổi nhau sát nút, ngang ngửa nhau trên từng cây số chạy nước rút tới Nhà Trắng.

Một ngày cuối Thu, vợ chồng tôi đi dạo một vòng quanh phố rồi lái xe đi sang tiểu bang Massachusetts - nơi con gái tôi học đại học để xem tình hình dân đi bầu cử thế nào. Tại đây, tôi thấy có nhiều tấm biển và banner chỉ dẫn bầu cử thể hiện bằng năm ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt. Điều này chứng tỏ cộng đồng người Mỹ gốc Việt cũng như một số nước khác đang được Chính phủ Mỹ đề cao.

Luôn mong có cuộc sống hòa bình, ổn định, vợ chồng tôi rất coi trọng bầu cử tổng thống; chúng tôi sẽ đi bỏ phiếu trực tiếp vào thứ Ba, ngày 5/11. Hy vọng vị tổng thống mới sẽ thực hiện được những lời hứa như đã cam kết và đang thể hiện qua các cuộc vận động tranh cử cuối cùng. Và dù đảng nào thắng cử thì mong những người ủng hộ của đảng còn lại sẽ giữ được sự bình tĩnh để không xảy ra bạo loạn trên đường phố.

>> Ông Trump và bà Harris tự tin trước ngày bầu cử Tổng thống Mỹ

Bầu cử Tổng thống Mỹ: Ngôi làng Ấn Độ cầu nguyện cho bà Harris

Triều Tiên phóng nhiều tên lửa trước giờ bầu cử tổng thống Mỹ

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/quan-tam-bao-ve-quyen-loi-sat-suon-post1688511.tpo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Quan tâm, bảo vệ quyền lợi sát sườn
    POWERED BY ONECMS & INTECH