Nỗ lực trừng phạt Nga lần thứ 18 bị ‘đánh sập’ vào phút chót
Slovakia bất ngờ phủ quyết kế hoạch dù phần lớn các thành viên còn lại đồng thuận, phơi bày những rạn nứt sâu sắc trong nội bộ EU xoay quanh vấn đề an ninh năng lượng và sự phụ thuộc vào khí đốt Nga.
Liên minh châu Âu (EU) vừa trải qua một bước lùi lớn trong nỗ lực siết chặt lệnh trừng phạt với Nga, khi kế hoạch trừng phạt thứ 18 – được chuẩn bị trong nhiều tháng – bất ngờ đổ vỡ vào ngày 15/7 vì sự phủ quyết của Slovakia.
Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của EU, bà Kaja Kallas, bày tỏ sự thất vọng khi cho biết chỉ còn một bước nữa là toàn khối đạt được đồng thuận. Tuy nhiên, quyết định vào phút chót của Slovakia đã khiến toàn bộ nỗ lực bị đình trệ.
Được biết EU cần sự đồng thuận của tất cả 27 nước trong khối để thông qua chính sách chung.

"Tôi thực sự rất buồn", bà nói, đồng thời chia sẻ rằng Ủy ban châu Âu (EC) đã nỗ lực điều chỉnh để đáp ứng các yêu cầu từ phía Slovakia, nhưng rốt cuộc kế hoạch vẫn bị chặn lại – và đã bị trì hoãn tới 2 tháng.
Bà Kallas nhấn mạnh: “Giờ quả bóng nằm ở phía Slovakia. Chúng ta cần sớm hoàn tất thỏa thuận này. Đã 2 tháng trôi qua rồi”.
Trong khi đó, Thủ tướng Slovakia Robert Fico không giấu sự chỉ trích gay gắt đối với gói trừng phạt mới của EU. Ông cho rằng kế hoạch này không chỉ gây tổn thất cho Slovakia mà còn đe dọa đến toàn bộ khối, xuất phát từ “nỗi ám ảnh vô tận với Nga” chứ không phải vì lợi ích thực tế.
Ông Fico cũng từng từ chối bức thư kêu gọi ủng hộ trừng phạt từ Thủ tướng Cộng hòa Czech Petr Fiala, và tuyên bố sẽ không nhượng bộ nếu không có cam kết chắc chắn về nguồn cung khí đốt ổn định, giá cả phải chăng cho Slovakia sau ngày 1/1/2028.
Slovakia không phải là quốc gia duy nhất phản đối. Hungary, Áo và theo một số báo cáo, cả Italy – thành viên chủ chốt của EU – cũng bày tỏ quan ngại với mục tiêu cắt hoàn toàn nhập khẩu năng lượng từ Nga trước năm 2028.
Những nước này cho rằng sáng kiến RePowerEU – kế hoạch giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga – vẫn còn nhiều điểm chưa được giải quyết thỏa đáng.
Theo Reuters
>> Đức đòi 500 tỷ euro, Nga phản pháo: ‘Liên Xô từng cứu cả châu Âu’