Quảng Nam: Hàng loạt cây cầu trăm tỷ 'đắp chiếu' vì thiếu đường dẫn
Thời gian qua, cử tri và các cơ quan báo chí phản ảnh tình trạng nhiều công trình cầu đường bộ tại Quảng Nam đã hoàn thành xây dựng nhưng phải "đắp chiếu" do chưa có đường dẫn, gây lãng phí nguồn lực đầu tư.
Đơn cử, dự án cầu Thanh Nam (qua sông Thu Bồn) và hệ thống đường dẫn nối phường Cẩm Châu và phường Cẩm Nam (TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) có tổng kinh phí 337 tỷ đồng, khởi công vào năm 2020 và dự kiến hoàn thành trong 2023. Tuy nhiên, đến nay cầu Thanh Nam đã hoàn thiện các hạng mục trên cầu nhưng chưa thể đưa vào sử dụng do chưa hoàn thành đường dẫn vào cầu.
Tại huyện Núi Thành, công trình cầu Tam Giang tổng mức đầu tư hơn 150 tỷ được khởi công vào tháng 4/2017, dự kiến hoàn thành trong năm 2018 nhưng đến nay, sau hơn 6 năm triển khai, công trình vẫn dang dở, hai đường dẫn đến cầu chưa thể thi công xong.
Tương tự các dự án trên, tại Quảng Nam còn có nhiều cây cầu khác phải "đặp chiếu" do chậm hoàn thành đường dẫn vào cầu, gây lãng phí nguồn lực và hiệu quả đầu tư, gồm: Dự án cầu Tây An 1 và Tây An 2, huyện Duy Xuyên; cầu Trà Đình, huyện Quế Sơn; cầu trên tuyến ĐH14 và ĐH7 tại thị xã Điện Bàn.
Ngoài ra, tại địa phương này còn có dự án cầu Tam Tiến và đường dẫn với tổng kinh phí 220 tỷ đồng, được triển khai thi công từ năm 2019, đến nay vẫn chưa xong.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản yêu cầu BQL dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông và UBND các huyện, thị xã, thành phố (chủ đầu tư) khẩn trương rà soát, giải quyết các tồn tại, vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện dự án theo thẩm quyền, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án.
Trong đó, tập trung các công trình gồm: Cầu Tam Giang, cầu Tam Tiến, cầu sông Ngang, huyện Núi Thành; cầu Thanh Nam, thành phố Hội An; cầu Tây An 1 và Tây An 2, huyện Duy Xuyên; cầu Trà Đình, huyện Quế Sơn; cầu trên tuyến ĐH14 và cầu trên tuyến ĐH7 bắc qua sông Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn….
UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá tình hình thực hiện các thủ tục khai thác và khả năng cung ứng vật liệu xây dựng thông thường, nhất là đất san lấp phục vụ các công trình giao thông, đề xuất các giải pháp về nguồn vật liệu xây dựng phục vụ các dự án. Đồng thời, thường xuyên phối hợp, theo dõi, hướng dẫn các địa phương liên quan trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Giao thông vận tải rà soát các công trình, dự án liên quan trên địa bàn tỉnh đã thi công cầu xong nhưng chưa thi công đường dẫn, đôn đốc các chủ đầu tư báo cáo tình hình thực hiện, các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất, kế hoạch triển khai trong thời gian tới.
Quảng Nam thu hồi 1,57 tỷ đồng do sai phạm trong quy hoạch
Tại sao Quảng Nam bất ngờ bị Bộ Tài Chính ‘đòi nợ’ hơn 555.000 USD?