Ngày 13/6, Ban Quản lý dự án (QLDA) các công trình điện miền Bắc (NPMB) phối hợp với các đơn vị liên quan đóng điện dự án trạm biến áp 220 kV Yên Hưng và đấu nối.
Trạm biến áp 220 kV Yên Hưng (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) là công trình năng lượng cấp I, nhóm B, với tổng mức đầu tư hơn 482 tỷ đồng.
Dự án do Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia làm chủ đầu tư, NPMB quản lý điều hành, Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 1 thiết kế, Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 4 thẩm tra thiết kế và dự toán xây dựng, Công ty Truyền tải điện 1 tiếp nhận vận hành.
Trạm biến áp (TBA) 220 kV Yên Hưng được xây dựng tại địa phận phường Minh Thành, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Đường dây đấu nối TBA 220 kV Yên Hưng đi qua bàn các phường Bắc Sơn, Nam Khê thuộc Thành phố Uông Bí và phường Minh Thành, Đông Mai thuộc thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.
Dự án đầu tư xây dựng mới TBA 220/110/22 kV có quy mô lắp đặt một máy biến áp 220/110/22 kV công suất 250 MVA (AT1). Phía 220 kV lắp đặt thiết bị cho 2 ngăn đường dây (phục vụ đấu nối chuyển tiếp TBA 220 kV Yên Hưng trên đường dây 220 kV Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Uông Bí - Tràng Bạch) và 1 ngăn máy biến áp vận hành theo sơ đồ tam giác (thiết kế theo sơ đồ tứ giác thiếu).
Phía 110 kV lắp đặt thiết bị cho 11 ngăn lộ (8 ngăn đường dây, 1 ngăn liên lạc, 1 ngăn mạch vòng, 1 ngăn lộ tổng 110 kV MBA 220 kV).
Phía 22 kV thiết bị ngoài trời bố trí theo sơ đồ khối cấp điện cho tự dùng. Hệ thống điều khiển, bảo vệ và đo lường, thông tin liên lạc và SCADA được trang bị phù hợp quy định của EVN, EVNNPT, tuân thủ quy phạm và các quy định hiện hành.
Phần đường dây 220 kV đấu nối được xây dựng đấu nối chuyển tiếp trên đường dây 220 kV NMNĐ Uông Bí – Tràng Bạch hiện hữu, tiết diện 2xACSR 330/43, chiều dài khoảng 20 km.
Việc hoàn thành dự án đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho các phụ tải tỉnh Quảng Ninh trong mùa nắng năm nay.
Ngoài ra, dự án còn tạo mối liên kết mạnh giữa các khu vực trong hệ thống điện, tăng khả năng vận hành an toàn và ổn định cho hệ thống điện quốc gia, tăng cường độ ổn định cung cấp điện, giảm tổn thất công suất, tổn thất điện năng trong hệ thống, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của EVNNPT.
Chi 730 tỷ làm trạm biến áp 220kV Nam Định 2: Bước tiến mới của hạ tầng điện miền Bắc
Đầu tư gần 730 tỷ đồng xây dựng trạm biến áp 220kV và đường dây tại Nam Định