Nhiều người dân nói rằng họ đang sống ở một nơi không dân tộc, không có lịch sử, không có hiện tại rõ ràng và không cả tương lai.
Transnistria là một khu vực nằm ở biên giới giữa Moldova và Ukraine, bên bờ đông của sông Dniester. Cộng hòa Moldova coi phần lớn lãnh thổ Transnistria là một phần của quốc gia này và gọi với cái tên "Đơn vị lãnh thổ tự trị có đặc quyền pháp lý Transnistria".
Nguồn gốc của "quốc gia" này bắt nguồn từ việc Liên Xô tan rã vào cuối năm 1991, nhiều nước cộng hòa thuộc Liên Xô đã trở nên độc lập, bao gồm cả Moldova. Transnistria đã nhân cơ hội này để tuyên bố độc lập khỏi Moldova vào năm 1992. Lý do được nêu là phản đối việc Rumani hóa, các chính sách hướng tới sự đồng hóa sắc tộc được chính quyền Romania thực hiện trong thế kỷ 20 và 21 (vì dân số của Transnistria chủ yếu là người gốc Nga còn lại của Moldova hầu hết là người gốc Romania).
Transnistria nhanh chóng thiết lập hệ thống quản lý, đồng tiền, hiến pháp và lực lượng quân đội riêng. Tuy nhiên, dù có những đặc điểm của một quốc gia độc lập nhưng Transnistria không được công nhận bởi Liên Hợp Quốc hay bất cứ quốc gia nào và cũng không xuất hiện trên bản đồ thế giới.
Quân đội và kinh tế của Transnitria đều phụ thuộc vào Nga. Hiện nay có khoảng 1.500 binh lính Nga đang làm nhiệm vụ "gìn giữ hòa bình" tại Transnistria và Nga cũng cung cấp khí đốt miễn phí cùng các khoản phí an sinh xã hội, bổ sung quỹ lương hưu cho người dân ở "quốc gia" này. Nga tác động rất lớn đến đời sống chính trị, kinh tế và cuộc sống ở Transnistria.
Với diện tích khoảng 4.163km2, Transnistria vẫn là nơi sinh sống của khoảng 550.000 người. "Quốc gia" này chỉ nhỉnh hơn một chút so với tỉnh Tây Ninh (diện tích là 4.041km2), một trong 2 tỉnh của Nam Bộ có núi cao, trong đó núi Bà Đen cao nhất với 986m, được mệnh danh là nóc nhà của Nam Bộ.
Nhiều người dân nói rằng họ đang sống ở một nơi không dân tộc, không có lịch sử, không có hiện tại rõ ràng và không cả tương lai. Những người lớn tuổi thường hồi tưởng một cách tiếc nuối về thời kỳ Xô Viết, khi họ còn là một phần của một cường quốc thế giới.
Còn đối với nhiều người trẻ, họ muốn rời khỏi Transnistria do ngày càng khó khăn trong việc tìm kiếm công việc có mức lương đủ để sống. Hơn nữa, bằng cấp từ các trường đại học ở Transnistria không được công nhận ở bất cứ quốc gia nào, làm cho họ khó có thể tìm được việc làm ở nước ngoài.
Tháng 3/2014, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ở Ukraine và việc sáp nhập Crimea, Chính phủ Transnistria đã đề nghị trở thành một phần của lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, yêu cầu này không được chấp nhận, khiến cho tương lai của Transnistria trở nên mịt mờ hơn.