Tại phiên họp, một Đại biểu cho rằng, các giao dịch bất động sản thông qua sàn giao dịch bất động sản là để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân.
Toàn cảnh Quốc hội |
Tại phiên thảo luận về Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản, Quốc Hội đã đón nhận nhiều ý kiến đóng góp liên quan đến quy định giao dịch thông qua sàn bất động sản.
Theo đó, Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Bình Dương bày tỏ thống nhất với quan điểm: Các giao dịch bất động sản thông qua sàn giao dịch bất động sản là để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân.
Tương tự, Đại biểu Phạm Đức Ấn - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng: Chính phủ đã giải trình tương đối thuyết phục quy định bắt buộc kinh doanh bất động sản phải qua sàn giao dịch. Tuy nhiên, hiện có nhiều ý kiến cho rằng giao dịch qua sàn bất động sản chi phí rất lớn, do vậy cần có thống kê cụ thể, rõ ràng nội dung này, để có điều kiện kiểm soát đối với chi phí qua sàn bất động sản, đảm bảo đúng tinh thần như Chính phủ mong muốn.
Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội nhận định, bất động sản là một hàng hóa rất quen biết với tất cả mọi người, nhưng khi đưa vào giao dịch trên thị trường lại là một hàng hóa rất đặc biệt.
Bên cạnh đó, Đại biểu cũng đề ra một số câu hỏi: "bao nhiêu đại biểu Quốc hội có thể tự mình đi mua bán bất động sản, mua bán nhà mà không cần nhờ đến một người thứ ba? Bởi rất ít người mua biết bất động sản bán ở đâu, thủ tục ra làm sao, khả năng pháp lý như thế nào?
Theo Đai biểu TP Hà Nội, trên thị trường bất động sản, có 3 bộ phận cấu thành. Một là người mua. Hai người bán. Ba là người môi giới. 3 yếu tố - chủ thể này không thể thiếu khi cần một thị trường hoàn chỉnh. Chúng ta dù có không quy định là giao dịch phải qua môi giới thì trên thực tế, người dân khi giao dịch bất động sản vẫn cứ tìm đến một người trung gian là những người môi giới. Vấn đề làm sao tìm được người nào chuyên nghiệp?
Cũng theo đại biểu Hoàng Văn Cường, ở trên thế giới, những nước có thị trường bất động sản hoàn chỉnh, người ta quy định về môi giới là một nghề chuyên nghiệp và quy định rất khắt khe. Trách nhiệm của môi giới bất động sản rất lớn. Khi hàng hóa bất động sản đưa giao dịch thì người môi giới này phải kiểm tra đảm bảo tính pháp lý. Nếu như rủi ro pháp lý, người môi giới phải chịu trách nhiệm.
Đại biểu cho rằng muốn thị trường bất động sản không có tình trạng nhiễu loạn, không có những yếu tố lừa đảo như vừa qua thì dự thảo Luật phải tập trung quy định rất chặt chẽ về môi giới. Sàn giao dịch bất động sản phải chuyên nghiệp, có khả năng trợ giúp cho người mua, người bán…
Trực tiếp giải đáp các thắc mắc của đại biểu Quốc hội liên quan đến quy định giao dịch bất động sản sàn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nêu rõ: Quy định các giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai thực hiện thông qua sàn giao dịch bất động sản trong dự thảo luật dựa trên các cơ sở gồm Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao và các nghị quyết, văn kiện của Đại hội Đảng.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng - Nguyễn Thanh Nghị |
Quy định này nhằm để đảm bảo đồng bộ với hệ thống pháp luật, hoàn thiện cơ chế phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố ở Việt Nam; Tăng cường kiểm soát, công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của người người dân trong giao dịch bất động sản nhưng không làm ảnh hưởng đến quyền tự do trong hoạt động, phương thức giao dịch bất động sản của người dân.
Nhà nước có công cụ quản lý thông tin về thị trường bất động sản, từ đó đưa ra các chính sách nhằm điều tiết kịp thời để thị trường phát triển lành mạnh, ổn định. “Quy định giao dịch qua sàn không làm tăng chi phí bất hợp lý cho chủ đầu tư hay làm tăng giá bán” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, hiện nay, chi phí quản lý bán hàng của chủ đầu tư thường phải xác định trong khoảng từ 8 đến 10% giá bán, bao gồm các chi phí nhân sự, quảng bá, truyền thông, hoa hồng cho người bán hàng. Chi phí này cũng là chi phí đã được chủ đầu tư tính vào giá bán. Do vậy, chủ đầu tư có thể bỏ chi phí sử dụng bộ máy, nguồn lực riêng của mình để tự tổ chức quản lý bán hàng hoặc thành lập sàn hoặc thuê sàn bất động sản để thực hiện.
“Việc này có khi còn tiết kiệm chi phí bán hàng cho chủ đầu tư, vì các sàn bất động sản là các đơn vị bán hàng chuyên nghiệp, có sẵn dữ liệu khách hàng, có sẵn liên kết với các sàn và có sẵn các kênh tiếp thị, quảng cáo nên hiệu quả có thể cao hơn. Qua nghiên cứu với nhiều nước, giao dịch bất động sản cũng được thực hiện thông qua sàn giao dịch bất động sản và các đại lý môi giới” – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị chia sẻ.
Các giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai có nhiều đặc thù như tài sản chưa hình thành, pháp lý của dự án bất động sản phức tạp, điều kiện đưa vào kinh doanh phải được kiểm soát theo thực tế triển khai của dự án. “Do vậy, giao dịch qua sàn để đảm bảo công khai, minh bạch, giúp ngăn chặn các hành vi lừa đảo trong giao dịch bất động sản nhằm minh bạch hóa hoạt động của tất cả các chủ thể tham gia thị trường, tránh rủi ro cho người dân”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ông Quản Minh Cường giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng
Diễn biến mới nhất dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hơn 67 tỷ USD