Quốc hội dự kiến họp bất thường vào 15/1/2024, xem xét 3 nội dung quan trọng

20-12-2023 08:39|Yến Nguyễn

Các ban ngành liên quan đều đề nghị lùi thời gian thông qua Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng tới kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.

Kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 5 chỉ trình 3 nội dung

Theo tin từ báo Thanh tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp bất thường lần 5 và bước đầu chuẩn bị kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. Kỳ họp bất thường sẽ diễn ra trong 3 ngày, khai mạc vào 15/1/2024, bế mạc chiều 19/1/2024 và chia làm 2 đợt.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết Quốc hội nghỉ 2 ngày làm việc giữa 2 đợt (từ chiều 17/1/2024 đến hết sáng 19/1/2024) để các cơ quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua.

Kỳ họp bất thường lần thứ 5 chỉ trình 3 nội dung nếu đủ điều kiện, bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Nội dung chính là xem xét thông qua Dự án Luật Đất đai sửa đổi và Dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi; xem xét thông qua Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

>> Thủ tướng yêu cầu trình Dự Luật Đất đai vào kỳ họp bất thường sắp tới

Một nội dung khác là xem xét, thông qua Nghị quyết về việc bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) từ nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn, nếu có.

Quốc hội dự kiến họp bất thường vào 15/1/2024, xem xét 3 nội dung
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường. Ảnh: Đ.X

Đề nghị lùi thời gian thông qua Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng tới kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV

Theo ông Cường, trên cơ sở ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã có văn bản gửi Chính phủ đề nghị đề xuất phương án hoàn thiện Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, đề nghị có văn bản trả lời chậm nhất vào ngày 10/12.

Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp chặt chẽ với Thường trực Ủy ban Pháp luật, cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Tài nguyên Môi trường) tiếp tục rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật; dự kiến báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 1/2024, xem xét có đủ điều kiện trình Quốc hội thông qua hay không.

Tuy nhiên, tới nay vẫn chưa nhận được ý kiến của Chính phủ về Dự thảo luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi.

>> Thủ tướng chỉ đạo 10 giải pháp quyết liệt để tháo gỡ khó khăn về tín dụng

Về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, ông Cường cho biết, sau khi kết thúc rà soát dự thảo lần thứ 2 trong tháng 12, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có văn bản gửi Chính phủ đề nghị có ý kiến chính thức về dự thảo luật và nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội.

Sau khi nhận được ý kiến chính thức của Chính phủ, các cơ quan sẽ hoàn thiện dự thảo luật để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 1/2024 và báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị. Sau khi hoàn thành về mặt nội dung dự thảo luật, Ủy ban Kinh tế sẽ chuyển dự thảo để Ủy ban Pháp luật rà soát về mặt kỹ thuật.

Đây là dự án luật rất quan trọng, phạm vi tác động lớn với nhiều điều khoản liên quan. Mặc dù các cơ quan đã liên tục làm việc, nỗ lực tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành việc rà soát toàn bộ dự thảo luật, theo Tổng Thư ký Quốc hội.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc trình Quốc hội xem xét, thông qua vào tháng 1/2024 tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó bảo đảm chất lượng tốt nhất của dự thảo luật, nên đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).

Thường trực Ủy ban Xã hội và Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng đề nghị cân nhắc việc thông qua Dự án Luật Đất đai sửa đổi, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 và chuyển sang thông qua tại kỳ họp thứ 7.

Nêu ý kiến sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết căn cứ ý kiến của các cơ quan của Quốc hội thống nhất kỳ họp bất thường nếu tổ chức sẽ xem xét các nội dung trên.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan, ủy ban của Quốc hội cần quyết tâm thực hiện Dự án Luật Đất đai sửa đổi và Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi để có thể tổ chức kỳ họp bất thường.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết Chính phủ rất quyết tâm để có thể hoàn thiện, trình 2 dự án luật trên ra kỳ họp bất thường của Quốc hội.

>> Thủ tướng yêu cầu tập trung tín dụng cho 3 động lực tăng trưởng chính

TPHCM: Lãi suất cho vay giảm, thúc đẩy nhu cầu vay vốn tín dụng dịp cuối năm

TPHCM: Đầu tàu triển khai tín dụng chính sách xã hội

Thống đốc NHNN: Khi pháp lý thông suốt, lập tức tín dụng bất động sản được khơi thông

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/quoc-hoi-du-kien-hop-bat-thuong-vao-1512024-xem-xet-3-noi-dung-216208.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Quốc hội dự kiến họp bất thường vào 15/1/2024, xem xét 3 nội dung quan trọng
POWERED BY ONECMS & INTECH