Người dân chuộng chuyển khoản, quét mã QR: Máy ATM và POS ngày càng ít dần
Số lượng máy ATM, POS giảm dần do sự bùng nổ của thanh toán qua QR Code, Mobile Banking, phản ánh xu hướng tài chính hiện đại hóa toàn diện.
Ngày 21/11, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức họp Tổ thường trực giúp việc Ban chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện lần thứ hai.
Tại cuộc họp, ông Phạm Minh Tú - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Tổ phó Tổ thường trực - nhấn mạnh các giải pháp của Chiến lược tài chính toàn diện đã bao phủ đầy đủ các khía cạnh quan trọng.
Những trọng tâm bao gồm: hoàn thiện khuôn khổ pháp lý với việc ban hành các luật như Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Căn cước, Luật Giao dịch điện tử; thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt; đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tài chính; nâng cao hiệu quả cơ sở hạ tầng tài chính; và giáo dục tài chính kết hợp bảo vệ người tiêu dùng.
Mạng lưới tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính tiếp tục được rà soát và phát triển, hướng đến các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đến nay, số lượng chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tín dụng trên mỗi 100.000 người trưởng thành đạt 17,57%.
Bên cạnh đó, mạng lưới ATM và POS đã phủ sóng khắp các tỉnh, thành phố, dù số lượng có xu hướng giảm do sự phát triển mạnh mẽ của thanh toán QR Code. Tỷ lệ xã/thị trấn ở địa bàn nông thôn có điểm cung ứng dịch vụ tài chính đạt 32,98%, không bao gồm các điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Hình ảnh máy ATM, nguồn: Internet |
Các sản phẩm thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục phát triển vượt bậc với tốc độ tăng trưởng cao về cả số lượng lẫn giá trị giao dịch. So với năm 2022, số lượng tài khoản thanh toán cá nhân tăng 21,8%; số lượng thẻ lưu hành tăng 1,27%. Thanh toán qua thẻ, Internet và di động lần lượt tăng 11,6%, 54,77% và 59,86% về số lượng giao dịch. Thanh toán QR Code ghi nhận 262,87 triệu giao dịch, đạt giá trị 191,93 nghìn tỷ đồng.
Để thực hiện hiệu quả các giải pháp đặt ra, NHNN nhấn mạnh cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc nghiên cứu và điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tiễn.
Theo báo cáo từ Vụ Hợp tác quốc tế, Chiến lược đã xác định rõ mục tiêu tổng quát: “Đảm bảo mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận, sử dụng an toàn các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp, với chi phí hợp lý và tính bền vững”. Các nhóm ưu tiên bao gồm người dân ở vùng sâu, vùng xa, người có thu nhập thấp, phụ nữ, người già, và các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Cuộc họp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao trách nhiệm, tạo điều kiện thuận lợi để hiện thực hóa Chiến lược tài chính toàn diện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
>> Người phụ nữ rút tiền nhưng ATM nhả gấp đôi, ngân hàng yêu cầu phải bồi thường: Lỗi thuộc bên nào?