Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ 6, xem xét lộ trình cải cách tiền lương
Quốc hội khóa 15 họp kỳ thứ 6 bàn thảo nhiều nội dung quan trọng, trong đó có cải cách chính sách tiền lương từ 1/7/2024, lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn...
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 15 họp tập trung tại Nhà Quốc hội sẽ chính thức khai mạc vào sáng nay (23/10) và dự kiến bế mạc vào ngày 28/11.
Đợt 1 Quốc hội làm việc từ ngày 23/10-10/11; đợt 2 từ ngày 20-28/11.
Trước giờ khai mạc, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, Đại biểu Quốc hội sẽ đặt vòng hoa và vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau đó Quốc hội họp phiên trù bị và thảo luận, biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp.
Các nội dung liên quan đến tài chính ngân sách sẽ được cho ý kiến tại phiên họp này, gồm: Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024. Trong đó có lộ trình cải cách chính sách tiền lương từ 1/7/2024, nội dung này đã được Hội nghị Trung ương 8 cho ý kiến.
Quan điểm được đưa ra là xây dựng bảng lương mới thay cho bảng lương hiện nay, gồm bảng lương về chức danh lãnh đạo từ trung ương cho đến cơ sở, bảng lương chuyên môn nghiệp vụ và 3 bảng lương cho lực lượng vũ trang; Sắp xếp, thu gọn chế độ phụ cấp so với hiện nay; Chế độ tiền thưởng bằng 10% quỹ tiền lương cơ bản không bao gồm phụ cấp.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri tại Hải Phòng mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Quốc hội coi quyết định chính sách về cải cách tiền lương là vấn đề đại sự, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tinh thần cải cách tiền lương theo nguyên tắc mức lương mới không thấp hơn mức lương hiện hưởng. Dự kiến, sau năm 2024, mỗi năm, mức lương sẽ tăng 5 - 7% để tiến tới lương khu vực công ngang bằng với mức lương ở khu vực sản xuất.
Về công tác lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật bao gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Quốc hội cũng sẽ xem xét thông qua 1 dự thảo nghị quyết là Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến 8 dự án Luật, bao gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Về chất vấn, điểm mới là tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về trách nhiệm của thành viên Chính phủ, trưởng ngành trong việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa 14 về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4.
Một nội dung quan trọng của kỳ họp này là Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Kỳ họp dành hơn một ngày để lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 chức danh.
Chiều 24/10, Quốc hội biểu quyết thông qua danh sách người được lấy phiếu tín nhiệm, sau đó thảo luận ở đoàn.
Sáng 25/10, các đại biểu lấy phiếu tín nhiệm bằng bỏ phiếu kín, chiều cùng ngày Ban Kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu. Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm.