Quyết định xử phạt sai, thiệt hại ai chịu?

03-07-2023 00:07|NGỌC THÁI

Áp dụng sai chủ thể để ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với người dân, doanh nghiệp. Cố tình “cài cắm” các điều khoản nhằm làm lệch chuẩn bản chất vụ việc…

z4464888125009_9212e348869205a6825cb84134467c92.jpg
Đã đến lúc cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát, kịp thời “tuýt còi” các văn bản Quyết định hành chính trái quy định gây thiệt hại cho doanh nghiệp. (Ảnh minh hoạ)

Đây đang là thực trạng xảy ra ở nhiều vụ việc trong thời gian qua đã được các cơ quan tố tụng vào cuộc thẩm tra, làm rõ sau khi có đơn khiếu nại, khiếu kiện của doanh nghiệp. Tuy nhiên, có một thực tế không ai có thể đong điểm được về những thiệt hại vô hình lẫn hữu hình mà nguyên đơn phải gánh chịu bởi những quyết định xử phạt vi phạm hành chính không đúng đối tượng, bản chất vụ việc của các cơ quan quản lý nhà nước.

“Vô phúc đáo tụng đình”

Vụ án hành chính “khiếu kiện quyết định hành chính trong quản lý Nhà nước về đất đai” giữa một bên nguyên đơn là Công ty TNHH Du lịch Pró (Công ty Pró - thôn Pró Ngó, xã Pró, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) kiện ông Dương Đức Đại, Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng đến nay vẫn còn làm “nóng” dư luận.

Nguyên đơn cho rằng, các quyết định của ông Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương ký, ban hành vào ngày 30/8/2022 có nhiều vi phạm và không phù hợp với quy định pháp luật, xử phạt sai chủ thể nên sau đó Công ty Pró nộp đơn kiện Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương đến Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng. Ngày 7/10/2022, TAND tỉnh Lâm Đồng ra thông báo thụ lý vụ án nói trên.

Đến ngày 25/4/2023, tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX TAND tỉnh Lâm Đồng đã tuyên hủy 4 QĐHC, gồm: QĐ số 1268 và QĐ số 1269 do Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương ký cùng ngày 30/8/2022; QĐ số 1574 và QĐ số 1575 cũng do Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương ký cùng ngày 5/10/2022.

Trước đó, vào ngày 07/9/2017, sau khi chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên đã ban hành Quyết định (QĐ) 158 xử phạt Công ty Cao Nguyên Lâm 109 triệu đồng (phạt khai sai 107 triệu đồng, phạt thủ tục thuế 2 triệu đồng). Biện pháp khắc phục hậu quả là truy thu thuế VAT 535 triệu đồng, số tiền chậm nộp thuế VAT 73 triệu đồng, 02 doanh nghiệp này đã gửi đơn khiếu nại và khởi kiện ra TAND tỉnh Phú Yên.

Tuy nhiên, sau nhiều năm với không ít lần “hầu toà”, vào đầu năm 2021, TAND cấp cao tại Đà Nẵng phúc thẩm vụ kiện hành chính trong lĩnh vực thuế giữa người khởi kiện là Công ty TNHH Cao Nguyên Lâm (xã Hòa Thành, thị xã Đông Hòa, Phú Yên) và người bị kiện là Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Phú Yên và Chi cục trưởng Chi cục Thuế thị xã Đông Hòa. Ở lần xét xử này, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã tuyên Công ty TNHH Cao Nguyên Lâm thắng kiện.

Được vạ thì má vẫn…sưng

Dù ở bất luận trong trường hợp nào, việc kéo nhau ra Toà sẽ gây thiệt hại cho cả nguyên đơn và bị đơn trong các vụ việc khiếu kiện, khiếu nại các sai phạm liên quan đến vi phạm hành chính. Đối với doanh nghiệp, vốn dĩ thủ tục đi khiếu kiện, hầu toà không phải ai cũng mong muốn.

Câu chuyện một doanh nghiệp sau khi thắng kiện UBND tỉnh Đồng Nai nhưng vẫn mất cả 10 năm đi khiến nại là một ví dụ điển hình về việc xử lý “hậu quả” từ các quyết định hành chính sai pháp luật.

Theo đó, vào năm 2008, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành 2 Quyết định hành chính số 699 và 2852, thu hồi toàn bộ diện tích trên xây dựng Đền thờ liệt sĩ thị xã Long Khánh (nay là TP Long Khánh) nhưng không đền bù với lý do diện tích đất trên thuộc nhà nước quản lý. Công ty dâu tằm tơ Tân Lộc cho rằng UBND tỉnh Đồng Nai thu hồi đất trái quy định nên đã khởi kiện vụ án hành chính ra TAND tỉnh Đồng Nai.

Đến ngày 8/8/2013, TAND tỉnh Đồng Nai đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Bản án số 08/2013/HCST-DS ngày 08/8/2013 của TAND tỉnh Đồng Nai đã tuyên hủy hai Quyết định số 699 và 2852 của UBND tỉnh này. UBND tỉnh Đồng Nai sau đó kháng cáo, nhưng tại phiên xử phúc thẩm ngày 25/10/2013, UBND tỉnh Đồng Nai bất ngờ tự nguyện rút toàn bộ nội dung kháng cáo. TAND Tối cao tại TP.HCM đã ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án. Bản án hành chính sơ thẩm số 08/2013/HCST-DS ngày 08/8/2013 của TAND tỉnh Đồng Nai có hiệu lực pháp luật từ ngày 25/10/2013.

Tuy nhiên, dù thắng kiện UBND tỉnh Đồng Nai nhưng đến nay đã 10 năm, bản án vẫn chưa được thi hành. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, suốt thời gian qua, thiệt hại cho doanh nghiệp vẫn chưa thể khắc phục được.

Đến nay, dù chưa có con số thống kê chính thức từ cơ quan có thẩm quyền về số vụ việc cơ quan quản lý nhà nước áp dụng các quyết định xử phạt vi phạm hành chính sai đối với chủ thể liên quan nhưng qua theo dõi, chúng tôi thấy không ít bản án của TAND các cấp đã tuyên cho doanh nghiệp thắng kiện.

Và, sau khi nguyên đơn là doanh nghiệp vác đơn đi khởi kiện, được Toà án tuyên thắng kiện nhưng việc thi hành án sau khi bản án có hiệu lực lại mất cả hàng năm trời, thậm chí còn lâu hơn nữa. Ngược lại, khi doanh nghiệp bị thua kiện, việc thi hành án không phải mất nhiều thời gian và qua nhiều vòng thủ tục phức tạp…

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/quyet-dinh-xu-phat-sai-thiet-hai-ai-chiu-246625.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Quyết định xử phạt sai, thiệt hại ai chịu?
    POWERED BY ONECMS & INTECH