Quyết sách giúp Việt Nam nhảy vọt bằng khoa học công nghệ
Nghị quyết 57 khẳng định vai trò đặc biệt của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; xác định đây là đột phá quan trọng, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh.
Nhảy vọt, rút ngắn khoảng cách bằng khoa học công nghệ, chuyển đổi số
Tại hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (KHCN, ĐMST và CĐS) sáng nay, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Thái Thanh Quý đã báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thời gian qua.
Các số liệu thống kê cụ thể cho thấy, nước ta có 423 tổ chức nghiên cứu và phát triển với quy mô khác nhau, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM.
Hiện cả nước có gần 900 doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Việt Nam có khoảng 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm, 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo.
Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đứng thứ 56/100 quốc gia. Hà Nội và TP.HCM lọt vào top 200 thành phố khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu. Năm 2024, Việt Nam xếp hạng 44/133 quốc gia về Chỉ số ĐMST toàn cầu và 71/193 quốc gia về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử.
Đến hết năm 2024, tỷ trọng kinh tế số trong GDP ước tính 18,3%. Năm 2024, công nghiệp công nghệ số đạt doanh thu 152 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử ước đạt 132 tỷ USD.
Tuy nhiên, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương thẳng thắn nhìn nhận: “Tiềm lực, trình độ KHCN, ĐMST còn khoảng cách so với nhóm các nước phát triển. Nghiên cứu, ứng dụng chưa có bước đột phá, chưa làm chủ được công nghệ chiến lược, công nghệ số cốt lõi”, ông Thái Thanh Quý chia sẻ.
Hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng số còn nhiều hạn chế; an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu còn nhiều thách thức. Việc huy động các nguồn lực cho KHCN và nghiên cứu, phát triển (R&D) chưa hiệu quả.
Chi cho KHCN chưa đạt mức quy định tối thiểu 2% tổng chi ngân sách nhà nước (năm 2023 chỉ đạt 0,82%). Chi cho R&D mới đạt khoảng 0,67% GDP (trong đó mức trung bình của các nước phát triển là 2-5% GDP).
Cơ chế quản lý KHCN chậm đổi mới, chưa phù hợp, nhất là về tài chính, đầu tư. Cơ chế và chính sách cán bộ trong hoạt động KHCN còn nặng về hành chính, chưa tạo được môi trường thuận lợi để phát huy sức sáng tạo, thu hút nhân tài; nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu. Thị trường KHCN phát triển chậm.
Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển và ứng dụng KHCN còn hạn chế, thiếu thể chế về tài chính, chuyển giao, ứng dụng, phát triển KHCN, nhất là công nghệ cao; thiếu giải pháp đồng bộ và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương.
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Thái Thanh Quý cho rằng: “KHCN, ĐMST và CĐS đã trở thành yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia. Chính phủ các quốc gia ngày càng chú trọng phát triển kinh tế xã hội dựa trên KHCN, ĐMST và CĐS. Kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn”.
Trong bối cảnh đó, để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, Việt Nam cần có những đột phá, trong đó đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS chính là con đường lựa chọn để thực hiện các bước nhảy vọt, rút ngắn khoảng cách với các nước đi trước.
Đây là điều kiện tiên quyết, thời cơ hiếm có để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Động lực chính phát triển đất nước
Quán triệt tinh thần và nội dung cốt lõi của Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương nêu rõ, nghị quyết này đã xác định 5 nhóm quan điểm chỉ đạo, 5 nhóm mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết cũng đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp thực hiện.
Trong đó, Bộ Chính trị khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của KHCN, ĐMST và CĐS. Xác định rõ đây là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.
Theo ông Quý, Bộ Chính trị xác định đây là cuộc cách mạng toàn dân, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Cuộc cách mạng này phải được triển khai quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, nhất quán, lâu dài. Người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính. Nhà khoa học là nhân tố then chốt. Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt.
Nội dung cốt lõi của cuộc cách mạng này, bao gồm: thể chế, nhân lực, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ chiến lược. Trong đó thể chế là điều kiện tiên quyết, cần hoàn thiện và đi trước một bước. Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật bảo đảm yêu cầu quản lý và khuyến khích đổi mới sáng tạo, loại bỏ tư duy "không quản được thì cấm".
Nghị quyết cũng xác định việc bảo đảm nguồn nhân lực trình độ cao cho phát triển KHCN, ĐMST và CĐS; có cơ chế, chính sách đặc biệt về nhân tài.
Phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng số, công nghệ số trên nguyên tắc “hiện đại, đồng bộ, an ninh, an toàn, hiệu quả, tránh lãng phí”, làm giàu, khai thác tối đa tiềm năng của dữ liệu, đưa dữ liệu thành tư liệu sản xuất chính, thúc đẩy phát triển nhanh cơ sở dữ liệu lớn, công nghiệp dữ liệu, kinh tế dữ liệu.
Đề cập đến 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, theo ông Quý, đầu tiên cần nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt chỉ đạo tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội. Đây là nhóm nhiệm vụ, giải pháp mang tính hiệu triệu, được nhấn mạnh và đưa lên hàng đầu.
Nghị quyết 57 giao nhiệm vụ khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế, xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển, đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển KHCN, ĐMST và CĐS.
Nghị quyết còn đề ra nhiệm vụ tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho KHCN, ĐMST và CĐS; phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài...
>> Nghị quyết 57 tạo bước ngoặt để Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên số