"Rã đông" cổ phiếu bán lẻ: "Cú đấm" giảm 2% thuế VAT có đủ mạnh?

10-05-2023 09:18|Minh Thuận

Trong khi VN-Index lần lượt tăng 7,3% và 4,6% trong khung thời gian 6 tháng và từ đầu năm 2023 trở lại đây thì những cổ phiếu lớn ngành bán lẻ như MSN, PNJ, MWG, FRT, HTM,... đều quay đầu giảm. Nhà đầu tư thấy gì ở diễn biến này?

Kết thúc năm 2022, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ chia rõ 2 nửa sáng - tối. Nếu như 6 tháng đầu năm, sức mua bật tăng mạnh sau giai đoạn COVID-19 thì đến nửa cuối năm, áp lực lạm phát leo thang đã khiến chi tiêu cho các sản phẩm tiêu dùng không thiết yếu phần nào bị ảnh hưởng.

Cổ phiếu bán lẻ - thanh khoản có trở lại nhờ lực kéo

Cũng từ thời điểm này, nhóm cổ phiếu bán lẻ bắt đầu có dấu hiệu đi xuống. Mặc dù cũng có thời điểm nhen nhóm trở lại song “niềm vui ngắn chẳng tày gang”; mọi nhịp tăng giá đến thời điểm này đều chưa cho thấy một sự trở lại chắc chắn.

Như đã nói ở bài trước, bước sang quý 1/2023, nhóm doanh nghiệp bán lẻ hầu hết đều chứng kiến đà kinh doanh lao dốc trong đó MWG, FRT, HAX thậm chí ghi nhận các mức lợi nhuận thấp kỷ lục.

Hiện tại, chỉ số P/E bình quân của nhóm bán lẻ đang ở mức gần 14 lần - cao hơn mức 10,7 của VN-Index. Thậm chí, nhiều mã như FRT, CTF, AST, PET, CCI, COM đang có P/E cao vượt trội so với mức bình quân.

Cổ phiếu bán lẻ - thanh khoản có trở lại nhờ lực kéo
Bảng giá cổ phiếu và P/E của một số doanh nghiệp bán lẻ

Trên thị trường chứng khoán, trong khi VN-Index lần lượt tăng 7,3% và 4,6% trong khoảng thời gian 6 tháng và từ đầu năm 2023 trở lại đây thì những FRT, PNJ, MWG, HTM phần lớn đều giảm giá. Cổ phiếu lớn đáng kể nhất là HAX ghi nhận các mức tăng 8,4% và 11,4% trong cùng thời điểm.

Rộng hơn, kể từ đầu tháng 4/2022 đến nay, các mã đầu ngành như FRT, MSN, HAX, MWG đều đã giảm mạnh từ 30 - 50% giá trị bất chấp kết quả kinh doanh tăng mạnh.

Cổ phiếu bán lẻ - thanh khoản có trở lại nhờ lực kéo

Một điểm đang lưu ý trong khoảng thời gian này là việc thanh khoản tại hầu hết các mã đều đã giảm mạnh song hành với các nhịp điều chỉnh của cổ phiếu. Thậm chí một số chỉ báo SMA, EMA hiện đang cho tín hiệu kém khả quan trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, xét trong bối cảnh rộng, giới phân tích cho rằng triển vọng nhóm này sẽ sáng hơn trong thời gian tới dựa trên 3 động lực chính.

Động lực thứ nhất, hàng loạt chính sách được ban hành nhằm hỗ trợ tiêu dùng trong thời gian tới.

Theo đó, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng. Đó là câu chuyện trình Quốc hội giảm 2% mức thuế giá trị gia tăng (VAT) với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%); giảm 20% mức tỷ lệ % để tính VAT đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế VAT 10%. Bộ Tài chính đề xuất giảm mức thu khoảng 35 khoản phí, lệ phí với thời gian áp dựng từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/12/2023.

Động lực thứ hai là doanh thu bán lẻ hàng hóa tiêu dùng có xu hướng tăng trong quý 1/2023 - ước đạt 1.505,3 nghìn tỷ đồng - tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Và việc các chính sách về thuế, cho vay tiêu dùng có hiệu lực sẽ tạo đà thúc đẩy tiêu dùng tăng mạnh trong quý 2/2023.

Động lực thứ ba là lãi suất cho vay có xu hướng giảm trong thời gian gần đây. Theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, lãi suất huy động hiện giảm khoảng 0,5 - 1,5 điểm % so với đầu năm, chủ yếu với các kỳ hạn trên 6 tháng khi thanh khoản hệ thống ngân hàng được cải thiện và nhu cầu tín dụng còn thấp. Trong cùng thời điểm, lãi suất cho vay cũng đang giảm (khoảng 1 - 2 điểm %) khi nhiều ngân hàng tung các gói tín dụng ưu đãi.

Lãi suất cho vay giảm giúp giảm áp lực vay nợ của các doanh nghiệp ngành bán lẻ qua đó giúp một số doanh nghiệp có thể tiết giảm một phần chi phí tài chính, về đích kế hoạch kinh doanh đã đề ra.

Cổ phiếu bán lẻ - thanh khoản có trở lại nhờ lực kéo

Đơn cử tại Masan, tổng số nợ đến cuối quý 4/2022 ở mức 70.993 tỷ đồng có thể khiến Tập đoàn phải chịu một khoản chi phí lãi vay khá nặng vào năm 2023. Tuy nhiên, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất hạ nhiệt, chi phí vay nợ của MSN sẽ hạ đáng kể so với chu kỳ mặt bằng lãi suất cao.

Thêm vào đó, Nhiều công ty đã đặt lợi nhuận tăng trưởng cả năm 2023. Năm 2023, MWG đặt mục tiêu kinh doanh là 135.000 tỷ đồng doanh thu và 4.200 tỷ lãi sau thuế. Tuy nhiên, hai mục tiêu trên là con số tối thiểu trong kế hoạch 135.000 - 150.000 tỷ đồng doanh thu và 4.200 - 4.700 tỷ lợi nhuận sau thuế

Năm 2023, MSN đề ra mục tiêu từ 90.000 - 100.000 tỷ đồng doanh thu và 4.000 - 5.000 tỷ lợi nhuận ròng.

Hay như Tập đoàn FPT cũng đề ra mục tiêu gần 52.300 tỷ đồng doanh thu và 9.055 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2023 - cùng tăng 18% so với cùng kỳ.

Cổ phiếu bán lẻ - thanh khoản có trở lại nhờ lực kéo

Áp lực bán ra không còn mạnh: Cơ hội tích lũy đã đến?

Trong chương trình Khớp lệnh ngày 8/5/2023 với chủ đề dòng tiền mới có thực sự nhập cuộc để "phá băng" trạng thái lình xình của VN-Index trong 1 tháng qua cũng như sự thận trọng của nhà đầu tư trước hiệu ứng "Sell In May", ông Lưu Chí Kháng - Trưởng phòng tự doanh, CTCP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam nhận định, thông tin Chính phủ đồng ý trình Quốc hội đề xuất giảm 2% thuế VAT là câu chuyện tích cực giúp kích cầu tiêu dùng đối với cả người dân và doanh nghiệp. Nhóm cổ phiếu bán lẻ đã có nhịp tăng tương đối tốt sau khi thông tin trên xuất hiện.

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Minh Quang - nhà đầu tư chuyên nghiệp cho rằng, doanh nghiệp bán lẻ hiện vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt... cổ phiếu bán lẻ vẫn còn dấu hỏi tăng giá kể cả các các ông lớn; PNJ đang trên chu kỳ đi xuống trong khi MWG cũng chưa thu hút được dòng tiền,...

Trong bản tin cập nhật mới đây, FiinTrade lưu ý nhà đầu tư thêm 2 điểm khi xem xét vấn đề trong đó:

Về cung cầu cổ phiếu, tỷ trọng phân bổ giá trị giao dịch khớp lệnh trung bình theo tháng của nhóm cổ phiếu bán lẻ hiện đã về mức thấp nhất trong vòng 10 tháng gần đây cho thấy áp lực bán ra có thể đã giảm bớt.

Về mặt triển vọng ngành, theo quan điểm của các diễn giả tại hội thảo FiinTrade Talk 7 diễn ra đầu tháng 4/2023, ngành bán lẻ đang chịu nhiều áp lực do cầu tiêu dùng trong nước yếu đi trong bối cảnh hơn nửa triệu lao động bị cắt giảm giờ làm và một lượng tiền lớn đang bị tắc ở trái phiếu doanh nghiệp. Dự kiến việc hồi phục cầu tiêu dùng trong nước sẽ cần thêm thời gian.

Do đó, việc tăng điểm này có thể là hiệu ứng tâm lý diễn ra sau đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng và giá cổ phiếu Bán lẻ đã giảm sâu cùng với áp lực bán giảm.

Hầu hết các các dự báo hiện nghiêng về khả năng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ điện thoại di động và điện máy có thể ở mức âm trong sáu tháng đầu năm 2023. Tuy nhiên, đây có thể là cơ hội cho các nhà đầu tư dài hạn tích lũy cổ phiếu trong thời kỳ giá thấp trước khi các doanh nghiệp trên lấy lại đà tăng trưởng lợi nhuận trong nửa cuối năm 2023.

5 cổ phiếu hưởng lợi từ thúc đẩy phát triển với Trung Quốc

Điểm tin doanh nghiệp tuần qua: Novaland, Mixue, Beamin, bán hàng đa cấp… là tiêu điểm

Hệ sinh thái khủng Taseco Corp phía sau doanh nhân Phạm Ngọc Thanh có gì?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ra-dong-co-phieu-ban-le-cu-dam-giam-2-thue-vat-co-du-manh-182059.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
"Rã đông" cổ phiếu bán lẻ: "Cú đấm" giảm 2% thuế VAT có đủ mạnh?
POWERED BY ONECMS & INTECH