Trong phiên giao dịch 19/5/2022, nhà đầu tư tiếp tục bán tháo cổ phiếu trước quan ngại quá trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể kéo nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.
Theo đó, S&P 500 giảm 22,89 điểm xuống 3.900,79 điểm - mức rất gần thị trường giá xuống khi thấp hơn 19% so với đỉnh thiết lập hồi tháng 1; Dow Jones giảm 236,94 điểm xuống 31.253,13 điểm; Nasdaq Composite giảm 29,66 điểm xuống 11.388,50 điểm sau phiên giảm tới 4,7% trước đó.
Chỉ số S&P 500 và Nasdaq đã giảm hơn 3% trong tuần này trong khi Dow Jones giảm 2,9%. Đà bán tháo trên thị trường được kích hoạt sau khi Target và Walmart báo cáo kết quả kinh doanh “thất vọng” trong quý I do chi phí năng lượng tăng cao, bên cạnh đó là nhu cầu tiêu dùng đi xuống. Sau khi giảm 24% trong phiên giao dịch 18/5, giá cổ phiếu của Target giảm thêm 5,1% trong ngày hôm qua.
“Làn sóng bán tháo cổ phiếu của những công ty trên (và nhiều công ty bán lẻ hàng hóa tiêu dùng khác) cho thấy áp lực lạm phát cuối cùng cũng đã tác động tiêu cực lên lợi nhuận của họ”, theo Maneesh S. Deshpande, Giám đốc chiến lược thị trường chứng khoán Mỹ tại Barclays.
Cisco là công ty công nghệ lớn mới nhất báo cáo kết quả kinh doanh giảm. Giá cổ phiếu công ty này giảm 13,7% trong ngày 19/5.
Giá cổ phiếu của Synopsys tăng 10,3%; cổ phiếu của Datadog tăng 9,6%; cổ phiếu của Nvidia và Amazon cũng chốt phiên trong sắc xanh.
Một số mã cổ phiếu nổi bật trong nhóm S&P 500 rơi xuống đáy 52 tuần trong phiên giao dịch ngày hôm qua; cổ phiếu của Target giảm xuống ngưỡng thấp nhất từ tháng 11/2020; cổ phiếu của Walmart thấp nhất từ tháng 7/2020; ciá cổ phiếu của Bank of America và Charles Schwab hiện cũng đang ở ngưỡng thấp nhất từ tháng 2/2021; ciá cổ phiếu của Intel hiện đang thấp nhất từ tháng 10/2017.
Làn sóng bán tháo đã lan rộng ra nhiều nhóm ngành khác ngoài công nghệ bao gồm ngân hàng và bán lẻ trước quan ngại suy thoái.
Một số chuyên gia phố Wall dự báo tương lai ảm đạm đối với thị trường chứng khoán Mỹ cho rằng, việc Fed tăng lãi suất sẽ kéo nền kinh tế rơi vào suy thoái. GDP trong quý I giảm 1,4% và là một trong nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế số 1 thế giới đang đi lùi.
“Trong trường hợp nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, làn sóng bán tháo trên thị trường sẽ diễn biến mạnh hơn nữa. Các chỉ số chứng khoán có thể sụt giảm từ 35 - 40%, S&P 500 có thể rớt xuống ngưỡng 3.000 điểm”, theo Binky Chadha, Giám đốc chiến lược toàn cầu của Deutsche Bank.
Căng thẳng Mỹ-Nga bao trùm thị trường toàn cầu
Thị trường tài chính thế giới bùng nổ, VN-Index tiếp tục điều chỉnh