Thế giới

Thế giới chờ động thái khó đoán của ông Trump

Trạch Dương - Theo Reuters, CNBC 06/05/2025 - 09:24

Sau khi GDP Mỹ lần đầu ghi nhận mức giảm trong 3 năm, Tổng thống Mỹ Donald Trump tung loạt chính sách cứng rắn như gây áp lực với Fed, áp thuế kỷ lục 145% với hàng hóa Trung Quốc và đàm phán hàng loạt thỏa thuận thương mại mới. Hệ quả là thị trường tài chính toàn cầu chao đảo, doanh nghiệp cắt giảm mục tiêu kinh doanh, nhiều nền kinh tế lớn đồng loạt điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng.

Ông Trump chuẩn bị chuỗi động thái mới

Theo số liệu của Cục Phân tích kinh tế Mỹ (BEA), tổng sản phẩm quốc nội Mỹ (GDP) trong quý I vừa qua giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu lần suy giảm đầu tiên kể từ đầu năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu do sự gia tăng đột biến của nhập khẩu trước khi các mức thuế mới có hiệu lực, dẫn đến thâm hụt thương mại, giảm tăng trưởng kinh tế.

Thị trường chứng khoán Mỹ trải qua biến động mạnh. Chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq giảm hơn 3% trong tháng 4. Tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức 4,2% trong tháng 4, tốc độ tăng trưởng việc làm chậm lại, chỉ thêm 177.000 việc làm mới, thấp hơn kỳ vọng của thị trường.

Trước những dấu hiệu suy thoái, ông Trump tăng cường áp lực lên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhằm hạ lãi suất, đồng thời đẩy mạnh chính sách thuế quan đối với Trung Quốc, nâng mức thuế lên tới 145% với nhiều mặt hàng nhập khẩu.

Theo CNBC, động thái phản ánh chiến lược "vừa đánh vừa đàm" của ông Trump, nhằm duy trì thế chủ động trong chính sách kinh tế. Cuối tuần trước, ông Trump tiếp tục lên tiếng loạt thông tin quan trọng khả năng cao tác động thị trường toàn cầu.

Thế giới chờ động thái khó đoán của ông Trump ảnh 1
Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục có động thái mới sau chuỗi chính sách thuế.

Trong chương trình Meet the Press with Kristen Welker phát trên NBC News, Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ hy vọng Fed hạ lãi suất trong tương lai gần.

"Powell nên hạ thấp lãi suất. Đến một lúc nào đó ông ấy sẽ làm vậy, dù hiện tại ông ấy không 'hâm mộ' tôi. Tôi nghĩ ông ấy là người cứng nhắc", ông Trump nói.

Tổng thống Mỹ đồng thời phủ nhận việc cách chức Jerome Powell, trước khi nhiệm kỳ của Chủ tịch Fed kết thúc năm 2026.

Trước đó, những chỉ trích gay gắt của ông Trump nhằm vào Powell khiến thị trường Phố Wall lao dốc, làm dấy lên lo ngại về quyền tự chủ của Ngân hàng Trung ương Mỹ. Động thái mới nhất của ông Trump phát đi tín hiệu hòa hoãn hơn, phần nào trấn an thị trường tài chính.

Trong lĩnh vực thương mại, ông Trump tiếp tục bảo vệ chính sách thuế quan cứng rắn. Từ ngày 2/4, Mỹ đã áp mức thuế 10% với hầu hết quốc gia, cùng mức thuế cao hơn đối với một số đối tác thương mại, sau đó được tạm đình chỉ trong vòng 90 ngày. Cụ thể, mức thuế 25% được áp cho ô tô, thép, nhôm; mức 25% đối với Canada và Mexico; và mức cao nhất đối với Trung Quốc là 145%.

Trong bài phỏng vấn của NBC News, ông Trump cho biết không loại trừ khả năng duy trì một số mức thuế vĩnh viễn. Tổng thống Mỹ đồng thời nhấn mạnh hàng nghìn tỷ USD đầu tư được các doanh nghiệp công bố.

Về quan hệ với Trung Quốc, ông Trump thừa nhận đã rất cứng rắn, về cơ bản cắt đứt thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

"Chúng tôi đã cắt đứt hoàn toàn. Điều đó có nghĩa là chúng tôi không mất một nghìn tỷ USD… vì chúng tôi không làm ăn với họ. Họ muốn đạt được thỏa thuận, nhưng đó phải là thỏa thuận công bằng", ông Trump trả lời NBC News.

Trong ngày 4/5, ông Trump nói "đang đàm phán" với hơn 15 quốc gia về các thỏa thuận thương mại, dự kiến thỏa thuận đầu tiên có thể sớm được công bố. Khi được hỏi liệu có thỏa thuận nào được công bố trong tuần tới không, Tổng thống Mỹ nói “rất có thể” nhưng không cung cấp thông tin cụ thể.

Thị trường toàn cầu tiếp tục bất an

Dưới tác động chính sách thuế quan ngày càng mở rộng của ông Trump, nền kinh tế thế giới - vốn phụ thuộc nhiều vào hệ thống thương mại tự do và ổn định - đối mặt nhiều rủi ro bất ổn.

Tuần trước, hàng loạt tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp nhỏ đồng loạt cắt giảm mục tiêu kinh doanh, cảnh báo khả năng cắt giảm việc làm và xem xét kế hoạch đầu tư. Nhiều nền kinh tế lớn điều chỉnh giảm triển vọng tăng trưởng trong bối cảnh dữ liệu kinh tế ảm đạm.

Bà Isabelle Mateos y Lago - trưởng nhóm kinh tế tại ngân hàng BNP Paribas - nhận định: "Chính sách thuế của Mỹ là cú sốc tiêu cực nghiêm trọng với thế giới trong thời gian tới. Mức thuế chung hiện áp dụng ở mức cơ sở 10%, cùng các mức phí cao hơn đối với sản phẩm thép, nhôm và ô tô, có thể còn tiếp tục tăng cao".

Thứ Sáu tuần trước, Bắc Kinh tuyên bố họ đang đánh giá lời đề nghị từ Washington liên quan đến mức thuế 145%, vốn đã bị Trung Quốc đáp trả bằng mức thuế 125%. Trong khi đó, Mỹ cho biết đang đàm phán với Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản để tránh các mức thuế bổ sung.

Tình hình thuế quan "có qua có lại" giữa các nền kinh tế dẫn đến nhiều hệ lụy toàn cầu. Hãng Electrolux (Thụy Điển) cắt giảm triển vọng, Volvo Cars và Logitech từ bỏ các mục tiêu kinh doanh.

Diageo - tập đoàn đồ uống lớn toàn cầu - đang điều chỉnh chiến lược. Đặc biệt, việc bãi bỏ chế độ miễn thuế “de minimis” đối với các gói thương mại điện tử dưới 800 USD từ Trung Quốc là cú đánh mạnh vào các doanh nghiệp nhỏ.

“Tôi thấy rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chọn rút khỏi thị trường hoàn toàn”, Cindy Allen - CEO của công ty tư vấn Trade Force Multiplier - cho biết.

Thế giới chờ động thái khó đoán của ông Trump ảnh 2
Thị trường chứng khoán toàn cầu và nền kinh tế thế giới phản ứng bất ổn trước loạt chính sách của ông Trump.

Tác động tiêu cực lan sang các chỉ số dự báo tăng trưởng. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản hạ dự báo tăng trưởng, trong khi triển vọng tại Hà Lan và khu vực MENA (Trung Đông và Bắc Phi) cũng điều chỉnh mức giảm.

Báo cáo PMI cho thấy hoạt động sản xuất tháng 4 của Trung Quốc giảm mạnh nhất trong 16 tháng, xuất khẩu của Anh cũng ghi nhận mức giảm nhanh nhất trong gần 5 năm.

Cyrus de la Rubia - kinh tế trưởng tại Hamburg Commercial Bank AG - cảnh báo: "Điều này đồng nghĩa sẽ có phản ứng dữ dội trong những tháng tới. Việc đẩy mạnh sản xuất trước thời điểm thuế quan có hiệu lực chỉ là biện pháp tạm thời".

Số khác cho rằng chính sách thuế quan của ông Trump tạo ra “cú sốc cầu”, làm tăng giá hàng nhập khẩu, đẩy chi phí sản xuất và tiêu dùng nội địa tăng cao, từ đó làm giảm hoạt động kinh tế toàn cầu.

Tín hiệu tích cực duy nhất là khả năng giảm áp lực lạm phát, mở ra dư địa cho Ngân hàng Trung ương các nước thực hiện nới lỏng tiền tệ. Ngân hàng Anh là một trong những tổ chức tận dụng cơ hội này.

Tuy nhiên, điều thị trường chưa thấy là liệu chiến lược tái cân bằng hệ thống thương mại toàn cầu của ông Trump có thực sự thúc đẩy các quốc gia khác cải cách nền kinh tế hay không, như việc Trung Quốc gia tăng kích cầu nội địa hoặc Liên minh châu Âu nới lỏng rào cản nội khối.

>> JPMorgan dự báo có tới 60% khả năng kinh tế Mỹ suy thoái, ông Trump phản pháo ra sao?

Ông Trump giải thích về bức ảnh 'chế' mặc trang phục Giáo hoàng

Ông Trump nói về đề xuất ngừng bắn 3 ngày ở Ukraine của Tổng thống Putin

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/the-gioi-cho-dong-thai-kho-doan-cua-ong-trump-post1739528.tpo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thế giới chờ động thái khó đoán của ông Trump
    POWERED BY ONECMS & INTECH