Sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp vẫn chưa đủ để khôi phục lại niềm tin nhà đầu tư?
Các chuyên gia cho rằng sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp sẽ giúp nhu cầu trái phiếu doanh nghiệp có thể phục hồi, trước hết là từ các nhà đầu tư tổ chức với nguồn vốn dồi dào và nhu cầu đa dạng hóa danh mục đầu tư
Theo báo cáo thị trường trái phiếu 6 tháng cuối năm 2023 của SSI Research, với việc đưa vào hoạt động sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành riêng lẻ thứ cấp từ ngày 19/7/2023, có tổng cộng 733.000 tỷ đồng trái phiếu hoặc 455 tổ chức phát hành phải đăng ký ở HNX trong vòng 3 tháng.
Bên cạnh đó, cho đến nay, chỉ có 19 mã phát hành có thể kể đến từ Tracodi, Vietcombank đã được đăng ký, với tổng giá trị là 9.000 tỷ đồng.
Do đó, đánh giá về những lợi ích của sàn giao dịch TPDN thứ cấp, các chuyên gia cho rằng việc này sẽ giúp nhu cầu trái phiếu doanh nghiệp có thể phục hồi, trước hết là từ các nhà đầu tư tổ chức với nguồn vốn dồi dào và nhu cầu đa dạng hóa danh mục đầu tư.
Đối với các nhà đầu tư cá nhân, có lẽ còn nhiều việc phải làm để khôi phục lại niềm tin và tâm lý đầu tư. Một điểm hỗ trợ cho thị trường này là môi trường lãi suất hiện tại đang có xu hướng giảm sẽ phần nào cải thiện nhu cầu đối với trái phiếu doanh nghiệp.
Do đó, theo các chuyên gia, đối với các giải pháp khôi phục niềm tin trên thị trường TPDN, trong ngắn hạn, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu thêm các giải pháp để giải quyết các vấn đề đang tồn tại, chẳng hạn như xếp hạng trái phiếu doanh nghiệp dựa trên khả năng thanh toán do Bộ Tài chính đánh giá hoặc ban hành các nghị định, thông tư để rút ngắn quy trình phê duyệt phát hành ra công chúng.
Ngoài ra, để khôi phục nhu cầu trái phiếu và niềm tin của nhà đầu tư cá nhân, các chuyên gia cho rằng việc định hình lại cấu trúc thị trường, giảm thiểu tỷ lệ tham gia trực tiếp của các nhà đâu tư cá nhân sẽ cần được xem xét. Trong đó các bên tổ chức trung gian (ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ trái phiếu) sẽ cần tuân thủ các tiêu chuẩn và trách nhiệm cao hơn phân phối.
Bên cạnh đó cần ban hành thêm các chính sách và văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện khuôn khổ về việc xử lý tài sản đảm bảo và các quy đinh về công bố vỡ nợ, cũng như các biện pháp xử lý tiếp theo.
Thực tế, thị trường trái phiếu doanh nghiệp không chỉ giúp giảm tải cho thị trường tiền tệ (tín dụng từ các ngân hàng) mà còn giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư cho nhiều nhà đầu tư.
Vì vậy, Chính phủ đã đặt mục tiêu dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp phải đạt 20% GDP vào năm 2025 (hiện nay khoảng 14% GDP). Sau những động thái mang tính thanh lọc thị trường trong năm 2022, việc tiếp tục tái cấu trúc, minh bạch hóa thị trường, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư vẫn sẽ là ưu tiên chính sách trong dài hạn.
Chủ tịch BIDV: Dư nợ tín dụng xanh của ngân hàng đạt trên 75.000 tỷ đồng, chiếm 12% toàn ngành
Chuyên gia: Lạm phát sắp bùng nổ, đe dọa nhấn chìm thị trường chứng khoán