Các lệnh hạn chế xuất khẩu của Mỹ vô tình biến Trung Quốc thành thế lực thống trị thị trường sản xuất chip thế hệ cũ.
Tổng sản lượng vi mạch điện tử (IC) của Trung Quốc đã tăng 40% lên 98,1 tỷ đơn vị trong quý I/2024, cho thấy nước này đang mở rộng sản xuất chip thế hệ cũ trong khi Mỹ cản trở sản xuất chip tiên tiến. Theo dữ liệu được Cục thống kê (NBS) công bố hôm 16/4, sản lượng IC cả nước tăng 28,4% lên 36,2 tỷ đơn vị chỉ trong tháng 3, cao kỷ lục.
NBS nhận xét "sản xuất công nghệ cao của Trung Quốc đã phát triển nhanh hơn". Theo hãng chứng khoán Haitong, sản xuất vi mạch trong nước sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm nay, khi ngành công nghiệp bán dẫn nói chung ngày càng địa phương hóa.
Kết quả nói trên một phần nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ các lĩnh vực như xe năng lượng mới. Dữ liệu chính phủ chỉ ra sản lượng xe năng lượng mới của nước này trong cùng kỳ tăng 29,2% lên 2,08 triệu xe, sản lượng smartphone tăng 16,7%.
Những năm gần đây, Trung Quốc tăng cường năng lực sản xuất vi mạch và sản lượng trong ba tháng đầu năm nay tăng gần ba lần so với quý I/2019, khi các nhà máy bán dẫn mọc lên như nấm. Do lệnh cấm vận công nghệ chip tiên tiến của Mỹ, hầu hết các khoản đầu tư mới của đại lục đều tập trung vào chất bán dẫn công nghệ cũ, theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế. Các nhà nghiên cứu dự đoán “hậu quả khôn lường từ việc Mỹ kiểm soát xuất khẩu công nghệ chip tiên tiến sang Trung Quốc” là “có khả năng Trung Quốc thống trị sản xuất chip công nghệ cũ toàn cầu”.
Theo hãng nghiên cứu TrendForce, công suất sản xuất chip công nghệ cũ của Trung Quốc có thể chiếm 39% thị phần toàn cầu vào năm 2027, tăng từ 31% năm 2023.
Trung Quốc đang nỗ lực đạt tự chủ trong các công nghệ cốt lõi, loại bỏ dần các hệ điều hành ngoại ra khỏi cơ quan quân sự và nhà nước, phát động chiến dịch phát triển giải pháp thay thế chip, hệ điều hành, cơ sở dữ liệu và phần mềm nước ngoài. Dù vậy, nước này vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu chip. Nhập khẩu vi mạch tăng 12,7% lên 121,5 tỷ đơn vị trong quý đầu năm, trong khi xuất khẩu vi mạch tăng 3% lên 62,4 tỷ đơn vị, theo dữ liệu được công bố tuần trước của Tổng cục Hải quan.
Năm ngoái, chất bán dẫn vẫn là mặt hàng nhập khẩu lớn nhất của đại lục, theo dữ liệu hải quan.
(Theo SCMP)