Trung Quốc mất 13 năm 'bồi' thêm sức mạnh công nghệ không gian: Xây ‘siêu ăng-ten’ kích thước gấp 5 lần New York, liên lạc tàu ngầm, dự báo động đất và 'khai quật' khoáng sản
Trung Quốc đã hoàn thành việc xây dựng một ăng-ten vô tuyến thử nghiệm có kích thước gấp 5 lần thành phố New York.
Theo tờ South China Morning Post (SCMP), Trung Quốc đã hoàn thành dự án Phương pháp điện từ không dây (WEM) sử dụng sóng tần số cực thấp hay còn gọi là sóng ELF, một công nghệ mà Hải quân Trung Quốc đang đầu tư mạnh mẽ.
Trung Quốc đã hoàn thành việc xây dựng một ăng-ten vô tuyến thử nghiệm, kích thước của nó gấp 5 lần thành phố New York. Ăng-ten này mất 13 năm xây dựng, được đặt tại một địa điểm bí mật và phát ra sóng tần số thấp, có thể được sử dụng để liên lạc với tàu ngầm. Điều này cho phép hải quân di chuyển ở độ sâu lớn hơn mà không cần phải nổi lên.
Đây là một phần của kế hoạch 5 năm lần thứ 11 của Trung Quốc, tập trung vào các mục tiêu dân sự. Từ không gian, siêu ăng-ten này bao gồm một mạng lưới dây cáp và cột điện, tạo thành một hệ thống trải rộng hơn 100km, tương tự như các đường dây điện thông thường.
Ăng-ten WEM cho phép các nhà nghiên cứu phát ra tín hiệu ELF ở tần số từ 0,1 đến 300 hertz. Cấu trúc bề mặt chính của Dự án WEM là một cặp đường dây cung cấp điện cao áp trải dài từ bắc xuống nam, đông sang tây trên các tháp lưới thép, tạo thành một hình chữ thập rộng 60km (37 dặm) và 80km đến 100km (50 đến 62 dặm).
Cuối mỗi đường dây điện, những sợi dây đồng dày đi xuống lòng đất qua một lỗ khoan sâu. Hai nhà máy điện tạo ra dòng điện mạnh và nhiễm điện vào mặt đất theo các xung chậm, lặp đi lặp lại, biến mặt đất dưới chân thành nguồn bức xạ điện từ tích cực.
Theo các nhà khoa học của dự án, các xung vô tuyến không chỉ truyền qua bầu khí quyển mà còn truyền qua lớp vỏ Trái Đất, với phạm vi lên tới 3.500km (gần 2.200 dặm). Một máy thu tín hiệu trong phạm vi đó, gần bằng khoảng cách giữa Trung Quốc và Singapore hoặc Guam, sẽ có thể thu được những tín hiệu này.
Ngoài khả năng liên lạc với tàu ngầm, hệ thống ELF còn có thể được sử dụng để phát hiện khoáng sản, đặc biệt là dầu, cũng như được sử dụng làm cảm biến địa chấn để có thể dự báo trước các trận động đất lớn.
Dự án này tiếp nối việc xây dựng trạm truyền tải tần số siêu thấp cấp quân sự đầu tiên của Trung Quốc vào năm 2009. Những năm tiếp theo, một tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc đã liên lạc thành công với trạm từ vùng nước sâu, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới thiết lập hệ thống liên lạc tàu ngầm, sau Mỹ và Nga.
Hải quân Trung Quốc mong muốn tăng cường năng lực và đang đổ nguồn lực vào công nghệ vô tuyến ELF tiên tiến hơn, cho phép tàu ngầm liên lạc với trung tâm chỉ huy từ độ sâu lớn hơn và khó bị gián đoạn hơn.
Địa điểm chính xác của cơ sở này vẫn còn là bí ẩn chưa được tiết lộ, nhưng theo thông tin trên các tạp chí nghiên cứu của Trung Quốc, nó nằm ở vùng Huazhong, một khu vực ở miền Trung Trung Quốc bao gồm các tỉnh Hồ Bắc, Hà Nam và Hồ Nam, là nơi sinh sống của hơn 230 triệu người – lớn hơn dân số của Brazil.
Từ việc thành công trong việc phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên của mình, Đông Phương Hồng I, cho đến chuỗi thành công trong các dự án thám hiểm Mặt trăng Chang'e và việc phóng thành công Trạm vũ trụ Thiên Cung do nước này phát triển,... Sức mạnh công nghệ không gian của Trung Quốc đang dần nổi lên trên trường quốc tế. Với sự hỗ trợ từ WEM, Trung Quốc có thể đạt được những thành tựu không gian lớn hơn trong tương lai.
Ảnh minh hoạ
*Theo SCMP, Newsweek, The New Zealand Herald