Sập cầu khi đang thi công khiến 60 công nhân rơi xuống từ độ cao 20m cùng hàng tấn vật liệu: Huy động khẩn cấp lực lượng cứu hộ đến hiện trường
Thảm họa này đã khiến 9 người thiệt mạng và những người sống sót phải chịu đựng những chấn thương nghiêm trọng về cả thể chất lẫn tinh thần.
Ngày 10/8/1966, sự cố sập cầu Heron Road ở Ottawa đã trở thành một trong những tai nạn xây dựng gây chấn động và đau thương nhất Canada. Thảm họa xảy ra khi cây cầu Heron Road – vẫn đang trong quá trình xây dựng – đột ngột sụp đổ, kéo theo hàng tấn bê tông, gỗ và thép, biến hiện trường thành một cảnh tượng hỗn loạn và thảm khốc.
Vụ sập cầu chấn động
Cây cầu Heron Road được xây dựng nhằm mục đích giảm ùn tắc giao thông đông-tây trong thành phố. Kế hoạch xây dựng ban đầu bao gồm hai cây cầu dài 300m, mỗi cầu có ba làn xe, một cầu đi về phía đông và một cầu về phía tây, với ngân sách dự kiến là 2,5 triệu USD. Cầu được thiết kế để nằm hơi về phía bắc thác Hog’s Back, kết nối đường Baseline và Heron qua sông Rideau và kênh Rideau, phục vụ cả xe cộ và người đi bộ.
Thành phố Ottawa đã trao hợp đồng xây dựng trụ móng bê tông cho công ty Beaver Construction vào tháng 2/1965, và công việc hoàn thành vào tháng 6 cùng năm. Công việc trên các nhịp phía tây bắt đầu vào mùa thu năm 1965 và hầu hết đã hoàn thành vào tháng 8/1966.
Trong khi đó, giàn giáo gỗ được sử dụng để hỗ trợ các nhịp phía đông chưa hoàn thiện. Lớp bê tông đầu tiên của nhịp thứ ba trong bốn nhịp đã được đổ vào tháng 7/1966 mà không gặp sự cố.
Kết cấu tạm bằng gỗ trên cầu đã không chịu nổi sức nặng, khiến các công nhân rơi từ độ cao 15-20m xuống đất và dòng sông phía dưới, trong khi các thanh thép, xi măng, gỗ và các vật liệu xây dựng khác rơi đè lên họ. Tiếng sập lớn cùng bụi bốc lên thu hút sự chú ý, thậm chí làm rung máy đo địa chấn của Đài Thiên văn Dominion gần đó, dẫn đến việc các quan chức phải xác nhận rằng vụ sập không phải do động đất gây ra.
Ngay lập tức, người qua đường, cảnh sát, công nhân từ các công trường gần đó và lính cứu hỏa đã đến hiện trường thảm họa để giải cứu những nạn nhân. Thị trưởng Ottawa Don Reid cũng có mặt, mang theo kìm cắt để tham gia cứu hộ.
Vụ việc này đã làm 9 công nhân thiệt mạng và hơn 60 người bị thương. Trong số những người may mắn sống sót, nhiều người phải chịu đựng những chấn thương nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thể chất và tâm lý trong suốt cuộc đời còn lại.
Nguyên nhân của thảm họa
Cộng đồng và truyền thông ngay lập tức lên án thảm hoạ, cho rằng đây là kết quả của những sai sót nghiêm trọng trong việc quản lý an toàn lao động. Tai nạn không chỉ gây tổn hại về con người mà còn bộc lộ những thiếu sót nghiêm trọng trong tiêu chuẩn an toàn xây dựng của Ontario vào thời điểm đó. Chính quyền tỉnh bang đã tiến hành một cuộc điều tra toàn diện với mục tiêu làm rõ các nguyên nhân gây ra sự cố cũng như xác định trách nhiệm của các bên liên quan.
Công ty xây dựng O.J. Gaffney Ltd. và công ty tư vấn kỹ thuật M.M. Dillon Co. là hai đơn vị chủ chốt trong dự án này. Cả hai đơn vị đều chịu sự chỉ trích nặng nề và bị phạt số tiền 5.000 đô la – mức phạt tối đa theo quy định lúc bấy giờ. Bên cạnh đó, chứng chỉ hành nghề của một số kỹ sư tham gia dự án cũng bị Hiệp hội Kỹ sư Chuyên nghiệp của Ontario (Association of Professional Engineers of Ontario) tạm thời đình chỉ.
Bồi thẩm đoàn điều tra cũng đã đưa ra một loạt khuyến nghị nhằm ngăn ngừa các tai nạn tương tự trong tương lai. Những khuyến nghị này bao gồm việc xác định rõ vai trò và trách nhiệm của các công ty xây dựng và tư vấn kỹ thuật, tăng cường yêu cầu đào tạo và báo cáo cho các thanh tra viên, và yêu cầu thiết kế hệ thống đỡ tạm (falsework) phải có dấu của một kỹ sư có thẩm quyền và sử dụng gỗ phù hợp. Bồi thẩm đoàn cũng khuyến nghị xây dựng một bộ quy tắc xây dựng bắt buộc cấp tỉnh cho các công trình đỡ tạm và cầu. Những khuyến nghị này đã thúc đẩy việc viết lại Luật An toàn Xây dựng để nâng cao tiêu chuẩn an toàn trong công việc.
Cây cầu này sau đó tiếp tục được xây dựng và mở cửa cho công chúng vào ngày tháng 6/1967.
Vào tháng 7/2016, Hội đồng Thành phố Ottawa đã bỏ phiếu đổi tên cây cầu thành Cầu Tưởng niệm Công nhân Đường Heron để tưởng nhớ các nạn nhân của vụ sập cầu.
Dù đã nhiều năm trôi qua, những cựu công nhân từng tham gia xây dựng cầu Heron, nhiều người vẫn mang trong mình những ám ảnh về ngày đen tối ấy, kể lại rằng họ vẫn không quên được âm thanh của sự sụp đổ và tiếng la hét của đồng nghiệp. Vụ tai nạn đã để lại những vết sẹo khó phai trong lòng cộng đồng Ottawa và vẫn được nhắc đến như một bài học quan trọng về an toàn xây dựng.
Nguồn: Wikipedia, Ottawa Citizen, City News Everywhere