Cộng thêm từ 0,5% đến 1%/năm vào lãi suất tiết kiệm niêm yết cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên là việc mà không ít ngân hàng đang thực hiện.
Chẳng hạn khách hàng gửi từ 500 triệu đồng trở lên, lãi suất niêm yết là 5,3%/năm cho kỳ hạn sáu tháng, thì lãi suất thực gửi ghi trên sổ sẽ là 5,8%/năm. Nếu số tiền gửi từ 1 tỉ đồng trở lên, lãi suất thực có thể khoảng 5,9-6%/năm. Số tiền gửi càng lớn, mức lãi suất cộng thêm càng nhiều. Gửi từ 5 tỉ đồng được cộng 1%/năm. Trường hợp gửi 100-200 triệu đồng kỳ hạn 9, 12 tháng, người gửi được nhận quà hiện vật như bộ tách uống trà, bộ ly nước, áo mưa, bình nước, dù che nắng mưa…
Trước đại dịch lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng cao nhất khoảng 7%/năm, nay nhiều ngân hàng đã kéo lên phổ biến ở mức 6,7-6,9%/năm. Có ngân hàng nâng lên 7-7,1%/năm, cá biệt tới 7,5%/năm. Riêng lãi suất ngắn hạn dưới sáu tháng đều được các tổ chức tín dụng cổ phần áp dụng mức kịch trần 4% cho mọi kỳ hạn 1, 2, 3, 4, 5 tháng.
Ngoài cộng lãi suất, một số ngân hàng miễn phí chuyển tiền cho người thân ở nước ngoài, miễn phí thường niên mở thẻ quốc tế, thẻ nội địa khi khách hàng duy trì số tiền gửi ở một mức cố định trong thời gian 6-12 tháng. Dài hơn càng tốt. Kỳ hạn 13 tháng sau khi ngưng áp dụng một thời gian, nay được mở lại và lãi suất tiết kiệm của kỳ hạn này cao hơn hẳn kỳ hạn 12 tháng.
Yếu tố chu kỳ hiện diện trong việc tăng lãi suất tiết kiệm ngân hàng. Thứ nhất, chỉ tiêu huy động vốn nửa đầu năm phải đạt được. Ngân hàng giao chỉ tiêu cho từng chi nhánh và các chi nhánh phải chạy đua. Huy động vốn là một trong những chỉ tiêu hàng đầu để nhân viên ngân hàng được thưởng, nâng thu nhập. Thứ hai, một số ngân hàng đã “trót” cho vay “quá tay”, bắt buộc phải có số dư huy động vốn cao nhằm đảm bảo chỉ số cho vay/huy động ở mức an toàn theo quy định.
Một số ngân hàng cho vay bất động sản nhiều, mà mức trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản tín dụng bất động sản lên tới 250% (trong khi cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên mức trích lập dự phòng rủi ro thấp 50%), càng cần số dư huy động cao để đảo nợ, gia hạn nợ.
Lãi suất đầu vào tăng còn do những nguyên nhân khác. Ngay sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất đô la Mỹ 0,75 điểm phần trăm lần gần nhất, lãi suất qua đêm của đô la Mỹ trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng (nơi các ngân hàng vay mượn lẫn nhau) đã tăng từ 0,9%/năm lên 1,5%/năm, “vượt mặt” lãi suất qua đêm của tiền đồng. Mặc dù lãi suất tiền đồng liên ngân hàng khá ổn định từ đầu tháng 6-2022, song các chủ thể khó vay mượn kỳ hạn dài vì bên cho vay đòi hỏi phải có tài sản thế chấp.
Luật không quy định vay mượn trên thị trường liên ngân hàng phải có tài sản đảm bảo, nhưng trong quá khứ đã có không ít trường hợp các chủ thể vay mượn kỳ hạn 6 tháng và bên vay không trả được nợ, thành ra bây giờ cứ cho vay kỳ hạn tính bằng tháng là bên cho vay đề phòng.
Ở góc độ tỷ giá, trong hai tuần gần đây, tốc độ mất giá của tiền đồng so với đô la Mỹ đã nhanh hơn do hầu hết các đồng tiền trên thế giới đều giảm giá so với đô la Mỹ và tiền đồng không là ngoại lệ. Từ đầu năm đến nay tiền đồng đã mất giá khoảng 1,5% so với đô la Mỹ và đang có những dự báo sự xuống giá của tiền đồng có thể chạm mức 2-2,5%, cao hơn mức dự báo hồi đầu năm là 1%. Mức mất giá của tiền đồng vẫn đang thấp hơn đáng kể so với các đồng tiền khu vực (đa số giảm giá trên 5%) và cũng thấp hơn các ngoại tệ mạnh như euro (giảm 7,67%); yen Nhật (giảm 17,26%); bảng Anh (giảm 9,67%).
Ngân hàng Nhà nước đã bán ra một lượng ngoại tệ không nhỏ, theo bản tin của Công ty Chứng khoán Rồng Việt là 7 tỉ đô la Mỹ, theo bản tin của một công ty chứng khoán khác là 8 tỉ đô la Mỹ, để ổn định tỷ giá trong điều kiện cho phép.
Đô la Mỹ đã và tiếp tục thể hiện sức mạnh của nó trên thị trường tài chính toàn cầu. Ngay khi Fed mạnh tay nâng lãi suất, giá dầu thô quốc tế đã điều chỉnh, nhưng kỳ vọng lạm phát cao vẫn còn và Fed nhiều khả năng sẽ chốt mức tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm trong tháng 7-2022. Lãi suất cho vay mua nhà 30 năm ở Mỹ đã “đại nhảy vọt” lên 6,28%/năm vào tuần trước.
Hành động của Fed sẽ ít nhiều tác động đến thị trường tiền tệ Việt Nam, bất chấp thanh khoản tiền đồng vẫn đang dồi dào nhờ tổng phương tiện thanh toán tăng và Ngân hàng Nhà nước chưa cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng.
Các ngân hàng đang kỳ vọng được cấp thêm hạn mức tín dụng trong tháng 7-2022, dẫu thế cơ quan quản lý đang cân nhắc. Người viết bài này dự đoán tháng 8-2022 mới là thời điểm hạn mức tín dụng được phân bổ thêm cho một số ngân hàng, và cũng chỉ cho những ngân hàng xếp loại A.
Khi lãi suất tiết kiệm tăng, lãi suất cho vay tiền đồng không sớm thì muộn cũng sẽ tăng, nên các ngân hàng đang rà soát và cắt (tức không gia hạn nợ, không đảo nợ) các khoản vay triển vọng diễn biến xấu. Tín dụng co hẹp lại để kiểm soát lạm phát trong khi nhu cầu vay vốn cao, nhất là nhóm bất động sản, thì lãi suất đầu ra, ngoài 5 lĩnh vực ưu tiên, sẽ còn đi lên.